Bỏ ngỏ tiềm năng thương mại điện tử

Trong thời buổi tốc độ tin học hóa như vũ bão thì xu hướng mua hàng tiêu dùng thông qua mạng internet cũng ngày càng phổ biến. 
Giới trẻ ngày nay ưa chuộng mua hàng online . Ảnh: Thùy Dương
Giới trẻ ngày nay ưa chuộng mua hàng online . Ảnh: Thùy Dương
Giới trẻ Việt Nam đã hình thành thói quen mua hàng qua mạng, cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển thương mại điện tử. Thế nhưng, đến nay hầu hết các trang mạng thương mại điện tử đều do các ông chủ nước ngoài tạo ra, còn hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Việt Nam chỉ là các trang fanpage bán hàng nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, không bài bản…

Thị trường tiềm năng

Theo khảo sát của Hiệp hội Internet Việt Nam, những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ở thị trường thương mại điện tử nhanh nhất thế giới, với tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 35%, cao hơn gấp 2,5 lần Nhật Bản. Và đến hết năm 2016, doanh số của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 4 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như trên, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thị trường màu mỡ để đầu tư thương mại điện tử. 

Con số thống kê của Global Survery Commerce cho thấy tính riêng quý 1-2017, tỷ lệ mua bán qua mạng chiếm tỷ trọng cao trong từng mặt hàng. Cụ thể, hoạt động mua bán quần áo, giày dép qua mạng chiếm tỷ lệ 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; đặt mua tour 47%; mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; hàng gia dụng 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin như laptop, điện thoại di động... chiếm 40%; đồ nội thất 29%; các sản phẩm ăn uống 26%... Trong đó, hoạt động mua bán online diễn ra rầm rộ tại các thị trường lớn như TPHCM, Hà Nội…

Theo nhận định của các doanh nghiệp, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh, sâu rộng đến nhiều người dân thì thương mại điện tử là sân chơi lớn, đầy tiềm năng để các doanh nghiệp chuyển đổi hình thức kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi lợi thế của kinh doanh thương mại điện tử là người kinh doanh không phải lo mặt bằng đẹp, không trả chi phí cao, không tốn nhiều chi phí cho nhân viên… Do vậy, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thì thương mại điện tử là một lợi thế. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ cao, cho phép doanh nghiệp nước này dễ dàng bán hàng trực tuyến ở nước khác. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng chỉ cần nắm bắt được xu hướng thương mại điện tử để xây dựng hệ thống kinh doanh trực tuyến phù hợp với quy mô của mình thì có thể chiếm lĩnh thị trường ngay từ đầu.

“Cá nhanh nuốt cá chậm”


Để chủ động kinh doanh qua mạng, điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm bắt là công nghệ điện toán đám mây ứng dụng ở các lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, xây dựng mạng nhện trực tuyến 0 đồng cho khởi nghiệp, xây dựng trang web phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu lớn đã bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam và xem đây là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi nhìn lại các trang mạng thành công, có rất ít trang của doanh nghiệp Việt Nam. Nếu có cũng chỉ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước. Trong khi những trang được đông đảo người Việt Nam sử dụng và nhớ tới là những trang quốc tế như agoda, booking… 

Nhìn lại các trang mạng thành công có thể cho thấy sức mạnh của những trang này là đã xây dựng được hệ thống dữ liệu rộng khắp, phục vụ tiện ích, nhanh nhạy. Khách hàng có kế hoạch đi du lịch khắp thế giới thì chỉ cần ngồi nhà đặt trước tất cả các dịch vụ từ khách sạn, ăn uống… chỉ bằng một cú click chuột. Hình thức thanh toán cũng khá đa dạng và bảo mật. Khách hàng có thể thanh toán qua internet banking, hoặc bằng visa - master card, thậm chí có thể chọn hình thức thanh toán trực tiếp tại quầy sau khi sử dụng dịch vụ. Đã thuận tiện, các trang mua bán này còn thành công ở mặt bằng giá vì có nhiều ưu đãi, giảm giá hơn so với thông thường. Vì thế, thương mại điện tử được nhìn nhận thuận tiện trong mua bán và quan trọng là khách hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Trong kinh doanh, sự cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ là quan trọng nhất, nếu doanh nghiệp tạo được một gói dịch vụ giá hấp dẫn, giao hàng nhanh, linh hoạt thì có thể duy trì lợi thế cạnh tranh của mình. Do vậy, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được xu hướng mới thì coi như đã bỏ lỡ thị trường, bỏ quên một bộ phận tiêu dùng phổ biến hiện nay. Ưu thế nhất trong kinh doanh trực tuyến là mọi người đều có cơ hội như nhau nên phải vận dụng được thế mạnh, tìm thị trường “ngách”, những thị trường có lợi thế thì doanh nghiệp sẽ thu hút được khách hàng.
Có thể ví von sự hấp dẫn trong thị trường thương mại điện tử ngày nay là không còn chuyên “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”.

Tin cùng chuyên mục