
Ngoài thịt chó, Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội còn cấm các cơ sở kinh doanh thức ăn hè phố không được sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nghiêm cấm sử dụng nước đá cây. Tuy nhiên, hiện các cơ quan chức năng vẫn bó tay trước hàng ngàn quán cơm bụi, hàng rong không bảo đảm vệ sinh vẫn bán tràn lan.
“Thượng đế” cũng phải... khóc

Ngõ 336, đường Nguyễn Trãi (nằm sau Trường Đại học KHXH-NV và Đại học Khoa học Tự nhiên) chỉ có 2 quán cơm nhưng khách đến ăn lại tính bằng con số trăm. Hôm nào cũng vậy, cứ tầm 11g30, sinh viên và nhân viên trong trường lại ra đây ăn trưa. Quán thì nhỏ mà khách lại đông khiến cho đống bát đũa lúc nào cũng quá tải. Bát đũa vừa rửa xong, chưa kịp ráo nước đã mang lên cho khách. Một sinh viên than thở: “Nhìn thấy đống bát đũa, bàn ghế mà kinh”.
Bên ngoài trông “sạch sẽ”, vào bên trong nơi rửa bát, mùi thum thủm đã bốc thẳng vào mũi. Bát, đũa, mâm nằm ngổn ngang. Đã vậy, lông gà, lông vịt tràn ngập khắp nơi. Một thứ không thể thiếu là đội quân… ruồi. Đĩa lòng lợn xào dứa vừa được người đàn bà có đôi tay đen nhẻm vớt ra đã bị lũ ruồi bu kín mít.
Ngoài quán cơm trên, riêng ngõ 336 chiều nào cũng có khoảng hơn 10 hàng rong xếp bàn ghế la liệt xuống đường để bán trà đá, trứng vịt lộn, bún đậu mắm tôm, xôi... Hầu hết trà đá đều sử dụng đá cây. Còn rửa rau thì “2 trong 1” (rửa rau, rửa bát chung 1 chậu nước). Bà T.Đ., chủ một quán bán trứng vịt lộn, khẳng định: “Cả năm nay tôi bán trứng vịt lộn có ai bị sao đâu. Người ta cứ nói quá chứ ăn một, hai quả thì bệnh sao được”. Không biết bà nói có đúng không nhưng nhìn cách rửa mớ rau răm là không khỏi… rùng mình.
Chủ trương của Sở Y tế Hà Nội là cấm các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng theo nhiều chủ hàng cơm bình dân, họ chưa bao giờ có “khái niệm” đó khi đi mua hàng. Ông Anh Tuấn, chủ một cửa hàng giò chả ở xã Mễ Trì (huyện Từ Liêm), cho biết: “Dù muốn mua thực phẩm có nguồn gốc để chế biến nhưng do Sở Y tế không cho biết những yêu cầu cụ thể để xác định nên chúng tôi vẫn chỉ dựa trên giác quan để mua hàng”.
Không chỉ các quán cơm mà chuyện mất vệ sinh còn xảy ra ở căn tin tại một số trường đại học, xí nghiệp… Tại KTX Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh viên không chỉ than thở vì thức ăn đắt đỏ mà còn vì mất vệ sinh. Được biết, cuối tháng 4-2008, tại KTX này đã có 10 sinh viên phải cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.
“Điếc không sợ súng”
Khu chợ Phùng Khoan (xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng là nơi tụ tập của hàng rong. Những ngày dịch tiêu chảy cấp hoành hành, khu chợ này cũng không kém phần náo nhiệt. Dù rộng đến hàng ngàn mét vuông nhưng chợ vẫn không chứa hết người bán hàng rong, buộc họ phải dọn hàng tràn ra cả vỉa hè đường Nguyễn Trãi. Tại một hàng bún “lưu động” dưới gốc xà cừ, người đàn ông béo ục ịch cặm cụi húp bán bún xoèn xoẹt, chốc lại đưa cọng rau húng vào miệng, nhai ngấu nghiến.
Cách chợ này khoảng 1km, phố “ẩm thực” Nguyễn Quý Đức đêm đến lại “đỏ đèn”. Con đường chưa kịp hoàn thành, ngổn ngang sỏi đá bỗng trở thành “điểm hẹn” lý tưởng của những người thích “nhắm” thức ăn hè phố. Khách đến ăn đông nhất vào thứ bảy, chủ nhật. Những hôm đó phải trải cả chiếu ra lòng đường mà chén.
Ông chủ tên Bùi Ninh dáng nhỏ thó, kiêm luôn chức bồi bàn chạy ngược xuôi, than thở: “Chỉ hai vợ chồng nên không kịp phục vụ. “Thượng đế” đến đông quá”. Quán của ông Ninh bán thập cẩm, đủ các loại từ cháo vịt, cháo ngan, vịt luộc, vịt quay đến các đồ nhắm như mực, chân gà… Và một món không thể thiếu mà khách rất thích ăn là món lòng lợn.
Hà Nội đã vào những buổi hè nóng bức. Một món ăn không thể thiếu đối với các thanh thiếu niên ở Hà Nội là món chè. Món chè thì không thể thiếu nước đá. Nhưng vì giá đá sạch quá cao nên hầu hết các chủ kinh doanh chọn đá cây.
Chủ cửa hàng trên đường Hạ Đình tiết lộ: “Đá cây mà nghiền nhỏ rồi thì trông chẳng khác nào đá sạch. Khách hàng vì thế cũng khó mà nhận biết”. Trong khi đó, hầu hết các quán trà đá trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Vũ Trọng Phụng… đều sử dụng đá cây. Được biết, cách đây không lâu, Bệnh viện Xây Dựng vừa tiếp nhận và điều trị một ca mắc dịch tiêu chảy cấp do bệnh nhân này đã uống trà đá.
Theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nan, chúng ta cần phải kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm, ăn uống đồng thời có biện pháp ngăn chặn hiệu quả “mầm” bệnh trong tự nhiên như nguồn nước ô nhiễm, ruồi nhặng, phân. Cách phòng bệnh tiêu chảy cấp hữu hiệu nhất vẫn là thực hiện ăn chín, uống sôi và tránh xa cơm bụi, hàng rong. |
Chương Văn