Trước giờ biểu diễn, tại sảnh rạp hát, những đóa hồng đỏ và trắng được các bạn trẻ Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cài lên ngực áo khán giả.
Câu chuyện kịch quay về không gian cách nay mấy chục năm, thời điểm đời sống kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều thay đổi với không ít khó khăn. Sự phân chia giai cấp thấy rõ, những người giàu thì giàu sụ, người nghèo thì cũng nghèo đến tận cùng. Giữa dòng đời xuôi ngược ấy, gia đình bà Tư bán tàu hũ, sống lây lất bữa rau bữa cháo qua ngày. Bà Tư dồn sức chăm lo cho 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, trưởng thành, nên người. Phận đời bà Tư, thời trẻ cũng vì quá nghèo mà bị gia đình chồng khinh rẻ, mẹ chồng hắt hủi, bắt vợ chồng bà chia lìa.
Hai mươi năm sau, ở xứ người, vì con trai chết và không có đứa cháu nào, mẹ chồng bà Tư vội vã trở về quê hương để tìm lại hai đứa cháu mà bà đã hắt hủi. Hai đứa con Hiếu và Thảo của bà Tư, sau bao ngày sống tủi nhục vì cái nghèo đã đeo bám, chạy theo tiếng gọi của đồng tiền mà bà nội chi ra để lôi kéo, dụ dỗ… Người mẹ tảo tần hôm sớm đau khổ đứng nhìn từ xa hai con sa chân vào cuộc sống xa hoa phù phiếm. Nước mắt chảy xuôi, bà mẹ nào cũng chỉ mong con mình có được cuộc sống an vui và hạnh phúc. Thế nhưng, dòng đời nghiệt ngã, giữa cuộc sống giàu sang lại tiềm ẩn những hiểm họa. Hai đứa con đã quay lưng với mẹ, đã rơi vào cạm bẫy ô danh…
Tôn vinh giá trị gia đình
Giữa bao bộn bề của đời sống xã hội hiện đại, những câu chuyện về gia đình, về tình mẫu tử được dàn dựng từ trên sàn diễn kịch nói hay phim ảnh vẫn luôn tạo nên sức cuốn hút kỳ lạ. Dẫu là những câu chuyện tâm lý xã hội giản đơn, dễ thấy đâu đó trong đời sống, nhưng với bao người xem, độ rung cảm của tình yêu gia đình, tình mẹ con, vẫn lan tỏa mạnh mẽ.
Ngay khi bước vào sảnh rạp hát, được cài một bông hồng nho nhỏ trên ngực áo, nghe sự sẻ chia tâm tình về tình mẹ của NSƯT Thành Hội, không ít khán giả đã rưng rưng. Bằng tài năng dàn dựng kịch tâm lý xã hội, đạo diễn Ái Như dù tuân thủ những giá trị tinh thần vốn có của tác phẩm, nhưng vẫn tạo nên được sự khác biệt, hấp dẫn cho Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh. Hơn thế nữa, cảnh trí, đạo cụ cũng khiến khán giả lay động vì như được gặp lại một không gian xưa của người Sài Gòn những năm 1970: chai nước uống thủy tinh được đậy bằng nắp giấy, cái rá tre, gạc-măng-rê cũ kỹ, cái tủ gỗ, phích nhôm, những bức tường loang lổ… Phong cách thời thượng của giai đoạn này cũng được thể hiện đậm nét qua trang phục, kiểu tóc.
Tham gia trong vở diễn, ngoài tài năng diễn xuất của 2 nghệ sĩ kỳ cựu NSƯT Thành Hội - Ái Như, dàn diễn viên trẻ của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng tạo nên sức cuốn hút với khán giả.
Nghệ sĩ Ái Như đảm nhận cả 2 vai người mẹ: mẹ của Hiếu và Thảo và người mẹ bị bệnh tâm thần của cô giáo Nga. Cả hai người mẹ hy sinh vì con. Mỗi ánh nhìn, lời thoại, những xúc cảm sâu sắc, lắng đọng của chị khiến cho khán giả phải rơi lệ.
Một mùa Vu lan báo hiếu lại về và câu chuyện kịch Bông hồng cài áo như một món quà ngọt ngào mà Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dành tặng cho khán giả, cả những người từng yêu mến tác phẩm Bông hồng cài áo bản dựng năm xưa của NSND Kim Cương.