
Mỏ vàng Bồng Miêu đã nổi tiếng từ hàng trăm năm trước không chỉ với trữ lượng vàng lớn mà còn là nơi cuốn hút hàng vạn lượt người đến đây khai thác trái phép, tạo ra một “điểm đen” về tệ nạn xã hội. Đầu tháng 4-2006 vừa qua, một sự kiện lớn đã diễn ra, góp phần thay đổi diện mạo Đồng Miêu. Đó là việc công ty Khai thác vàng Bồng Miêu xây dựng một nhà máy chế biến vàng bằng phương pháp công nghệ hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
Lãnh địa của “lục lâm thảo khấu”
Nạn đào đãi vàng trái phép tại Bồng Miêu thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam trở thành nỗi nhức nhối trong suốt 15 năm qua của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam. Trung bình mỗi ngày, tại đây có hàng trăm người mua sắm máy móc, thậm chí đưa cả gia đình vào dựng lán trại, bất chấp hiểm nguy để tìm vận may. Hậu quả, nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra do bị sập hầm mỏ hoặc đâm chém nhau giữa các băng nhóm để tranh giành lãnh địa khai thác vàng.

Theo Dũng “trâu” - một “vàng tặc” từng là tay anh chị ở mỏ vàng Bồng Miêu thì, trong số người làm vàng trái phép có những tên giang hồ khét tiếng tàn bạo, là tội phạm bị truy nã. Bọn chúng sẵn sàng giết người vì một mâu thuẫn nhỏ, có ngày xảy ra 2-3 vụ đâm chém nhau. Đa số bọn chúng là dân từ các tỉnh phía Bắc dạt vào, thâu tóm quyền lực và thu phục đàn em để tổ chức khai thác vàng với quy mô lớn. Hàng loạt tệ nạn xã hội như nghiện hút, ma túy, mại dâm… cũng phát triển mạnh ở đây.
Nguy hiểm hơn là dân đãi vàng dùng chất độc cyanua và thuỷ ngân để tuyển rửa vàng gây nhiễm độc nguồn nước trên các con sông suối, phá hoại môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của chính họ và những người dân trong vùng. Theo ước tính của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, trong 15 năm qua, nạn khai thác vàng trái phép đã đổ xuống các con sông, suối đến hàng nghìn tấn cyanua.
Chính quyền địa phương huy động lực lượng mở nhiều đợt truy quét, đập phá lán trại, thu giữ máy móc, đẩy đuổi dân đào đãi vàng trái phép ra khỏi khu vực, nhưng đẩy đuổi hôm trước thì hôm sau đâu lại hoàn đấy. Tình trạng này kéo dài suốt hàng chục năm trời.
Bình yên cho Bồng Miêu
Tình trạng trên thật sự chấm dứt khi dự án khai thác và chế biến vàng theo công nghệ hiện đại do Công ty khai thác vàng Bồng Miêu chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 4-2006 vừa qua. Tại buổi khai trương nhà máy tuyển luyện vàng ở mỏ Bồng Miêu, ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Việc dự án đi vào hoạt động đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Quảng Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế của địa phương mà cái được lớn nhất là chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác vàng trái phép, gây ô nhiễm trầm trọng, xóa bỏ được một “điểm đen” về an ninh trật tự của địa phương”.
Còn ông Nguyễn Văn Quý - Bí thư Đảng uỷ xã Tam Lãnh, cho biết: “Dự án đi vào hoạt động cũng có nghĩa là người dân xã tôi không phải nơm nớp lo sợ con em họ theo những kẻ đào đãi vàng trái phép, rất dễ bỏ mạng vì sập hầm hoặc đâm chém nhau. 250 lao động địa phương, có người từng là “vàng tặc” đã được công ty tuyển dụng vào làm việc chính thức.”
Để bảo vệ môi trường, Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu đã đầu tư 7 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất với quy mô công nghiệp, dây chuyền công nghệ tuyển vàng không gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ thải quặng nhà máy được khử độc theo quy trình khép kín làm giảm lượng cyanua trong bãi thải xuống dưới mức cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam trước khi đưa ra khu chứa thải.
Các đập ngăn thải được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh được việc thẩm lậu vào các dòng chảy ngầm, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường sinh thái.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÙNG