Brazil với kế hoạch mới bảo tồn rừng Amazon

Brazil với kế hoạch mới bảo tồn rừng Amazon

Chính phủ Brazil vừa thông qua kế hoạch khuyến khích nông dân trong khu vực Amazon phát triển nguồn thu nhập bền vững, quay lưng lại với tình trạng khai thác gỗ lậu vốn đang tàn phá vùng rừng rậm lớn nhất thế giới này.

“Kế hoạch Amazon bền vững” bao gồm ngân khoản 300 triệu bảng Anh (gần 600 triệu USD) cho các khoản vay với lãi suất thấp dành cho nông dân – mức 4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức thông thường hiện nay là 11,75%/năm. Khoảng 40.000 hộ đang khai thác gỗ lậu cũng sẽ được nhận các khoản an sinh xã hội và trợ cấp thất nghiệp.

Brazil với kế hoạch mới bảo tồn rừng Amazon ảnh 1

Tình trạng phá rừng đe dọa nghiêm trọng sinh thái rừng Amazon.

Rừng mưa nhiệt đới Amazon trải rộng hơn 5,5 triệu km2 (nếu tính luôn khu vực vịnh là trên 7 triệu km2), rộng hơn cả diện tích Tây Âu. 60% khu rừng rậm Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil, phần còn lại nằm ở các nước Colombia, Peru, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp. Amazon chiếm 1/2 diện tích rừng mưa nhiệt đới trên thế giới, có hệ thống các loài sinh vật phong phú và đa dạng nhất thế giới.

Toàn khu vực rừng Amazon có khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục ngàn loài cây, 2.000 loài chim và thú có vú, hơn 3.000 loài cá…Mặc dù vậy, tình trạng khai thác gỗ lậu đã khiến diện tích rừng Amazon thu hẹp 20%.

Từ năm 1991 đến năm 2000, tổng diện tích rừng Amazon bị phá tăng từ 415.000 km2 lên 587.000 km2, tức gấp 6 lần diện tích Bồ Đào Nha. Chỉ trong 5 tháng trong năm 2007, đã có 3.200 km2 rừng bị phá, những tháng đầu năm 2008, tình hình phá rừng còn tăng cao hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến phá rừng là do dân số tăng, nhu cầu đất canh tác tăng, nhất là để trồng đậu nành. Brazil là nước đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) về sản lượng đậu nành xuất khẩu. Giá đậu nành gia tăng càng khiến nông dân tăng diện tích đất trồng.

Để vận chuyển đậu nành, nhiều con đường mới được mở ra, phá hủy thêm môi trường sinh thái của rừng Amazon. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán do rừng thu hẹp đã ảnh hưởng trực tiếp tới người dân Brazil. Năm 2005, Brazil bị hạn nặng nhất trong 100 năm qua. Năm 2006 và 2007 đều bị hạn nặng.

Trong buổi lễ phát động kế hoạch mới bảo vệ rừng Amazon, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva nói: “Amazon thuộc về nhân loại, tạo ra lợi ích cho toàn bộ hành tinh nhưng Brazil có trách nhiệm bảo quản Amazon, Brazil quyết định những gì cần làm với Amazon”. Ông gửi thông điệp tới người dân rằng: “Đừng để thế giới tẩy chay đậu nành Brazil vì không bảo vệ rừng Amazon”.

Tình trạng khai thác gỗ lậu gần đây tại Amazon đã đe dọa thành quả của 3 năm cải thiện khu rừng này, khiến chính phủ Brazil càng nỗ lực thực thi nhiều biện pháp chống lâm tặc.

Theo Bộ trưởng Thống nhất quốc gia Brazil, ông Geddel Vieira Lima: “Chúng tôi tái khẳng định rằng khái niệm về Amazon không chỉ là tập hợp nhiều loài cây mà còn là nơi sinh sống của hơn 24 triệu người dân Brazil.

“Kế hoạch Amazon bền vững” còn giúp tạo công ăn việc làm, giảm bớt cách biệt giàu nghèo trong xã hội, giúp cải thiện mức sống của những người nghèo ở khu vực Amazon. Kế hoạch cho phép khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên song song với bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường sông sẽ được cải thiện, các cảng được mở rộng cùng nhiều dự án hậu cần khác. Tuy nhiên, các công trình hạ tầng khác tại 9 bang đe dọa đến khu vực Amazon bị đình chỉ. Các chính quyền địa phương phải cam kết giảm tình trạng khai thác gỗ lậu trong khu vực kiểm soát của mình. 

HUY QUỐC tổng hợp

Tin cùng chuyên mục