
Các bộ, ngành đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để chống tăng giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiệu quả của các giải pháp cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá, còn trong thực tế giá cả leo thang đã tác động không nhỏ đến đời sống hàng ngày của người dân, nhất là tầng lớp công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN,KCX).
Bữa ăn ngày càng ít...

Mong sao sự leo thang của giá cả không làm tắt đi nụ cười của những nữ công nhân này... Ảnh: VIỆT DŨNG
Khi được hỏi về tình hình đời sống trước thực trạng giá cả sinh hoạt ngày một tăng cao, anh Nguyễn Hữu Tuấn, công nhân Công ty TNHH A.C đang ngồi uống trà đá tại căn-tin trước cổng vào KCX Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông, quận 7) nửa đùa, nửa thật tâm sự: “Mình không lo ăn, vì suốt ngày làm việc, tăng ca nên ăn cơm ngay trong nhà máy, nhưng mấy tháng gần đây, suất cơm ngày càng ít đi.
Sức như mình mà mỗi phần cơm chỉ được vài ba miếng thịt bằng đầu ngón tay, vài miếng đồ xào, thêm chút canh lợt lạt… vừa ăn xong quay vào chưa kịp làm việc đã thấy đói lại rồi”. Chuyện về suất ăn trong các nhà máy thời tăng giá là nỗi ám ảnh của không ít công nhân, nhưng tình hình không dễ thay đổi, ngay cả một số cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm và suất ăn công nghiệp cũng đang lâm vào tình trạng bị “bão giá” hoành hành.
Giám đốc một cơ sở cung cấp thức ăn ở quận Tân Bình cho biết, bản thân ông cũng thấy không ổn khi nhìn thấy suất cơm mang đi vào các nhà máy ngày càng ít đi, nhưng giá cả thị trường tăng cao, nhất là các mặt hàng liên quan đến thực phẩm tăng liên tục. Do hợp đồng ký từng năm, nên rủi ro tăng giá mình phải chịu, muốn nâng chất lượng suất ăn lên thì phải thương lượng với chủ doanh nghiệp, nhưng có mấy ai chấp nhận thêm chi phí vào bữa ăn cho công nhân, khi mà các chi phí khác cũng gia tăng nên ông đành “bó tay”.
Những công ty tổ chức bếp ăn tập thể trong nhà máy trước đây đã từng đánh động không ít lần về chất lượng suất ăn, nay, trước áp lực giá tăng, tình hình càng trở nên tồi tệ. Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty H.P (quận Gò Vấp), cho biết, nhiều đoàn kiểm tra đến làm việc, xử phạt nhiều lần nên bữa ăn có cải thiện đôi chút. Mấy tuần qua, không có ai kiểm tra, lấy lý do giá cả tăng cao, nhà ăn gần như chỉ cho chút cơm với cá kho mặn. Công nhân thường xuyên ăn không đủ chất, không đủ no, người luôn ở trạng thái mệt mỏi.
Tiết kiệm tối đa cũng phải đi vay nợ
Với đồng lương trong các nhà máy tại các KCN, KCX hiện nay (bình quân 800.000 - 1,3 triệu đồng/tháng), nếu làm tăng ca và tiết kiệm tối đa thì mức lương này chỉ đủ đảm bảo chi phí sinh hoạt tối thiểu như ăn, thuê phòng trọ. Chị Lê Thị Bảy, công nhân KCX Tân Thuận, khẳng định, nếu tháng nào có tiệc cưới, hay ngã bệnh không đi làm, chi phí thuốc men, mức lương chị lãnh 1,4 triệu đồng/tháng không thể đáp ứng đủ. Tiết kiệm tối đa, nhưng khi có “sự cố” phải vay mượn bạn bè đồng nghiệp trong khi cách nay vài năm, mức lương này vừa đủ chi phí cho chị sống thoải mái và còn dành dụm chút ít gửi về quê cho gia đình.
Là công nhân có tay nghề, lương tháng gần 2 triệu đồng, nhưng anh Huỳnh Công Nhật, công nhân KCN Tân Bình, gần 2 tháng qua cũng nhấp nhổm như ngồi trên lửa. Có một đứa con lên 3 tuổi, hai vợ chồng mỗi tháng thu nhập tổng cộng khoảng 3 triệu đồng, số tiền trước nay tiết kiệm cũng có thể cho con được hộp sữa mỗi tuần. Nay giá sữa tăng kinh khủng, không những không có sữa cho con, mà cách nay hơn hai tuần cháu phải nhập viện vì sốt, anh chị phải vất vả vay tiền, nhờ ông bà ở quê gửi tiền lên giúp nữa.
Anh Nhật tâm sự, công ty cũng có rất nhiều biện pháp để nâng lương cho công nhân, nhưng số tiền nâng lên so với mức lên giá ngoài thị trường còn khoảng cách quá xa, nên thiếu trước hụt sau không có gì lạ. Có không ít đồng nghiệp phải bỏ nhà máy trở về quê, dù gì cũng không đói vì còn có cái ăn. Ở thành phố, có tiết kiệm được đồng nào, trong tình hình hiện nay, khi gặp chuyện cũng phải trở thành con nợ.
NGỌC LỮ
Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao L.M.TH. |