Châu Á

Bùng nổ bệnh tâm thần

Bùng nổ bệnh tâm thần

Tồn tại song song cơn lốc phát triển kinh tế, châu Á cũng đối diện nhiều nguy cơ xã hội. Khủng hoảng tâm lý dẫn đến bệnh tâm thần là một trong những hiện tượng đang bùng nổ tại nhiều nước.

  • Báo động đỏ

Hisaki Fujishiro mất tích. Không ai nhận ra dấu hiệu gì đặc biệt, kể cả mẹ cậu. Bình thường, Fujishiro thường lánh xa bạn bè. Cậu chúi đầu vào trò chơi vi tính và nằm hàng giờ trên giường. Điều này dường như không có gì bất thường đối với bọn trẻ thời hậu công nghiệp tại Nhật.

Bùng nổ bệnh tâm thần ảnh 1

Trong một bệnh viện tâm thần ở Thượng Hải.

Thế rồi, khi vào trung học, Fujishiro bắt đầu có dấu hiệu kỳ lạ hơn. Cậu thường viết một chữ nào đó, xóa đi rồi viết lại hàng trăm lần. Có lúc, Fujishiro mang sách giáo khoa ra giặt, như thể muốn tẩy cái gì đó khỏi ý nghĩa rối loạn của mình. Tuy tâm tính bất thường, Fujishiro cũng vào được Đại học Chuo (Tokyo) giữa thập niên 1990, với lối sống mỗi lúc mỗi khác thường.

Fujishiro thường đi ngủ sớm và nằm li bì suốt sáng, chỉ bước ra khỏi phòng ký túc xá vào ngày thi hoặc khi mua thức ăn. Không giao du bạn bè, Fujishiro đốt thời giờ bằng việc xem các tạp chí xe hơi (nhiều đến mức chất cao đến trần)… Hisaki Fujishiro không là trường hợp hiếm hoi ở Nhật.

Trong thực tế, cậu là đại diện một thế hệ có trạng thái tâm thần bất thường, sống cách ly xã hội và biệt lập cả với người thân. Người Nhật gọi hiện tượng này là hikikomori (cách ly xã hội) – thuật từ do nhà tâm lý Tamaki Saito đặt. Theo Tamaki Saito, trong mỗi 40 gia đình Nhật, có một người thuộc dạng hikikomori. Nói cách khác, Nhật hiện có ít nhất 1 triệu người hikikomori, hầu hết là nam giới…

Nhìn ở góc độ rộng, vấn đề sức khỏe tâm thần tại châu Á hiện trong tình trạng nguy hiểm. Chương trình nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện dự báo rằng tình trạng khủng hoảng tâm thần sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thất lực lượng lao động tại châu Á vào trước năm 2020. Hiện tại, bệnh tâm thần chiếm 5/10 nguyên nhân chủ yếu làm tổn thất lực lượng lao động châu Á, tạo ra gánh nặng xã hội hơn cả ung thư.

Nghiên cứu WHO cho biết thêm hiện có 1/4 người Ấn Độ đang sống với vài triệu chứng rối loạn tâm thần. Châu Á cũng là nơi có tỷ lệ tự tử cao hàng đầu thế giới. Tự tử tại Trung Quốc là nguyên nhân đứng đầu gây tử vong ở thành phần thuộc lứa tuổi 18-34. Mỗi năm ít nhất có 250.000 người Trung Quốc tự tử, kể từ giữa thập niên 1990.

Chỉ một tỷ lệ nhỏ người có vấn đề rối loạn tâm thần là tìm kiếm sự giúp đỡ, so với hầu hết có khuynh hướng co rút khỏi xã hội. Hiện có 95% người tâm thần Trung Quốc không được chữa trị – theo Ji Jianlin, giáo sư Đại học Fudan (Thượng Hải). Nhật là nước có số người tâm thần nằm viện cao nhất thế giới.

  • Mặt sau của vấn đề

Tại nhiều nơi, bệnh nhân tâm thần không được điều trị kịp thời hoặc thậm chí bị tống vào nhà thương với hệ thống dịch vụ - chăm sóc bệnh nhân ở mức thấp nhất. Tại Campuchia chẳng hạn, toàn bộ ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khỏe tâm thần đạt mức khiêm tốn đến mức không bằng ngân sách một bệnh viện tâm thần tại Mỹ.

Tại Pakistan, Chính phủ Islamabad đã “đầu hàng” từ lâu và nhường sự chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các tổ chức từ thiện tư nhân. Hiện có hơn 1.000 bệnh nhân đang sống chen chúc tại Làng Edhi (Karachi) được điều hành bởi nhà từ thiện Abdus Sattar Edhi.

Người ta thấy cảnh bệnh nhân tâm thần nằm trần truồng tại “làng người điên” Edhi. Abdus Sattar Edhi không có tiền để thuê đủ nhân viên trông coi từng bệnh nhân.

Có gì mâu thuẫn giữa tốc độ phát triển kinh tế châu Á với tỷ lệ ngày càng có nhiều người khủng hoảng tâm thần? Thử xem một trường hợp. Sinh trong gia đình nông dân tại Tứ Xuyên, Song L. muốn đến Thượng Hải để thỏa mãn giấc mơ đổi đời. Chỉ Thượng Hải – thành phố lớn nhất Trung Quốc – mới có thể biến một nông dân chân lấm tay bùn như Song L. thành triệu phú, ít nhất đó cũng là suy nghĩ phổ biến của những nông dân ít trình độ như Song L.

Bùng nổ bệnh tâm thần ảnh 2

... Và tại Karachi (Pakistan).

Vậy là Song L. khăn gói lên đường. Thoạt đầu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, không lâu sau, Song L. bị tống ra vỉa hè. Lang thang vỉa hè, Song L. tiếp tục sống mệt mỏi với chứng váng đầu. Một buổi sáng, Song L. quyết định tự tử. Vét hết khoản tiền còn lại, Song L. mua chai thuốc trừ sâu và uống sạch. Khi tỉnh dậy trong bệnh viện, Song L. bị cô y tá mắng một trận, tội ngu xuẩn tìm lấy cái chết.

Hôm sau, Song L. bị vất ra vỉa hè, lại sống với cơn choáng đầu. Với một nông dân ít học như Song L., anh chưa từng nghe nói đến cái gọi là tình trạng suy nhược thần kinh… Theo nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu, chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ chiếm khoảng 2% ngân sách y tế quốc gia Trung Quốc, trong khi bệnh tâm thần làm tổn thất 20% gánh nặng y tế nước này.

Nghiên cứu trên cho biết thêm trong khi khoảng 60% bệnh nhân tâm thần phân liệt Mỹ được chữa trong bệnh viện, thì có đến 90% bệnh nhân tâm thần phân liệt Trung Quốc vẫn sống tại nhà và không hề được điều trị. Xã hội Trung Quốc tiếp tục quen với việc “giấu” thân nhân tâm thần trong nhà và thậm chí vẫn còn phổ biến quan niệm “ma nhập, quỷ ám” hoặc bị “bỏ bùa, bỏ ngải”.

Hơn nữa, Trung Quốc chỉ có vỏn vẹn 2.000 bác sĩ tâm thần loại giỏi, tỷ lệ cực thấp đối với một nước có dân số 1,3 tỷ người (so với 10,5 bác sĩ tâm thần/100.000 dân tại Mỹ).

  • Hệ quả lịch sử và hệ quả thời đại

Không chỉ vấn đề mưu sinh thất bại gây khủng hoảng tâm thần (như trường hợp Song L.), còn có nhiều nguyên nhân khác. Tại Campuchia, vết sẹo thảm sát và tra tấn thời Khmer Đỏ tiếp tục ám ảnh xã hội. Theo khảo sát từ Tổ chức Tâm lý xã hội xuyên văn hóa (TPO – tổ chức phi chính phủ làm việc chặt chẽ với WHO), 75% người trưởng thành Campuchia từng sống qua thời Khmer Đỏ hiện chịu nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần cực độ.

Trong khi đó, Campuchia không hề có bệnh viện tâm thần. Đất nước với 11 triệu dân này chỉ có 20 bác sĩ tâm thần. Giống như một số vùng lạc hậu khác ở châu Á, không ít gia đình Campuchia có thân nhân bị điên đã đưa bệnh nhân đến thầy pháp (krukmai) để “trục hồn ma nhập”…

Tương phản Campuchia nhiều mặt nhưng Nhật vẫn chứng kiến tỷ lệ tăng nhanh đối với bệnh nhân tâm thần cũng như nạn tự tử do khủng hoảng tâm lý. Mỗi năm, có hơn 30.000 người Nhật tự tử, kể từ 1998 đến nay. Đây là tỷ lệ cao nhất Đông Á và là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Bi kịch thất nghiệp là nguyên nhân chính. Với đàn ông Nhật, việc không có khả năng bảo bọc gia đình là nỗi nhục không thể chấp nhận. Cùng quan niệm này, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc tự tử cũng bởi cú sốc mất việc hoặc bị cách chức…

Có thể nói, hiện tượng khủng hoảng tâm lý dẫn đến bệnh tâm thần hoặc tự tử là một mặt trái trong cơn lốc phát triển của châu Á, trong đó có lối sống tốc độ, lòng ham muốn không kìm chế về nhu cầu vật chất và sự ganh đua rút ngắn thời gian trong khả năng làm giàu. Một trở ngại gây thất vọng nào đó thình lình xuất hiện thường dễ dẫn đến sự suy sụp nghiêm trọng khiến người ta rơi vào trạng thái hoang mang rồi mất kiểm soát ý chí…  

Anh Vũ

Tin cùng chuyên mục