Bước chậm ngắm phố

Hà Nội với 36 phố phường đã đi vào nhiều bài thơ ca thì Sài Gòn - TPHCM cũng có riêng cho mình những con đường “đặc sản” như vậy. Không gọi đường là phố hay ngõ như Hà Nội, người Sài thành quen gọi là đường, là hẻm. Thành phố phương Nam cũng ôm vào lòng những con đường, con hẻm chuyên bán những mặt hàng rất riêng của mình…
Bước chậm ngắm phố

Hà Nội với 36 phố phường đã đi vào nhiều bài thơ ca thì Sài Gòn - TPHCM cũng có riêng cho mình những con đường “đặc sản” như vậy. Không gọi đường là phố hay ngõ như Hà Nội, người Sài thành quen gọi là đường, là hẻm. Thành phố phương Nam cũng ôm vào lòng những con đường, con hẻm chuyên bán những mặt hàng rất riêng của mình…

1. “Buôn có bạn, bán có phường”, trên nhiều con đường ở TP, người bán tập trung lại chỉ chuyên bán riêng một mặt hàng nào đó. Lâu ngày thành quen, người mua cứ cần thì đến ngay con đường đó, như một thứ “đặc sản” riêng của mỗi con đường.

Nhiều bà nội trợ, thợ sửa điện, sửa máy móc đã không còn xa lạ với đường  Nhật Tảo (quận 10, TPHCM) chuyên bán đồ điện tử. Ở đây, người ta dễ dàng tìm mua những vật dụng nhỏ trong gia đình từ phích cắm điện, cầu chì, công tắc đèn… cho đến những linh kiện đồ điện tử, thiết bị âm thanh, ánh sáng chuyên dụng, với đủ loại, đủ giá để khách hàng lựa chọn. Không chỉ có những cửa hàng chất đầy thiết bị điện tử, người bán còn tận dụng một phần lề đường, gọi chính xác hơn là lấn chiếm lề đường, trải tấm bạt nhỏ bày biện hàng hóa để khách lựa và đương nhiên giá cả cũng sẽ có phần cạnh tranh hơn ở các tiệm.

Muốn tìm một bức tranh để trang trí trong nhà hay viết một câu thư pháp tặng người thân, người TP tìm đến đường Trần Phú (quận 5). Người mua đến đây tìm cho mình những bức tranh đủ kích cỡ, thể loại, từ tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, tôn giáo, trừu tượng… với nhiều chất liệu từ màu nước, sơn dầu, sơn mài hay tranh thêu. Hoặc cũng có thể yêu cầu họa sĩ vẽ theo ý tưởng của riêng mình. Mỗi khi ngang qua con đường này, ta cứ phải bước chậm lại nhìn ngắm đủ các loại tranh với màu sắc rực rỡ, được người bán bày tràn ra cả hai bên đường. Và cũng không khỏi tò mò, đôi khi phải đứng lại để nhìn thêm một chút khi bất chợt bắt gặp hình ảnh người họa sĩ nào đó, đang ngồi tỉ mỉ với những đường cọ bên một tác phẩm mới sắp hoàn thành.

Giữa thành phố nhộn nhịp, không thiếu những âm thanh ồn ào, sôi động, nhưng mỗi khi ngang qua con đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) người ta cứ xao xuyến bởi những tiếng đàn réo rắt, trong trẻo giữa lòng thành phố. Con đường này đã nằm lòng không chỉ riêng với giới văn nghệ sĩ hay sinh viên các trường nghệ thuật, người yêu đàn cũng tìm đến đây để chọn cho mình một cây đàn ưng ý, hay đơn giản chỉ là rảo bước và lắng nghe âm thanh ngân nga của những cây đàn còn thơm mùi gỗ, mùi vani. Nhiều tiệm đàn tuổi đã ngót nghét gần 40 năm, như tiệm Lạc Hồng (24 Nguyễn Thiện Thuật) của một ông chủ người Gò Công, đã gắn bó với những cây đàn ghi ta, đàn tranh… hơn nửa đời người. Chủ tiệm Lạc Hồng cho hay: “Bán riết thành quen, khách họ cũng quen, cứ mua đàn hay sửa đàn là lại tìm ra đường Nguyễn Thiện Thuật. Giờ chuyển nghề hay chuyển chỗ khác cũng không được”. Buôn có bạn, bán có phường là vậy!

2. Và trước đây, khi đến mùa cưới, nhiều đôi uyên ương lại tìm đến đường 3 Tháng 2 nhưng vài năm trở lại đây, con đường có nhiều cửa tiệm chuyên bán, cho thuê áo cưới Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) đã trở thành nơi để các cặp đôi tìm đến lựa chọn những chiếc áo lộng lẫy nhất trong ngày trọng đại. Khi hỏi về việc chọn đường Hồ Văn Huê để mở hiệu áo cưới, nhiều chủ tiệm ở đây cùng quan điểm, đơn giản vì con đường này nằm gần các trung tâm chuyên tổ chức tiệc cưới. Con đường dài chưa đầy 1km như một cửa hàng áo cưới khổng lồ, khách ra vào nhộn nhịp, nhiều tiệm áo cưới, tiệm chụp hình lớn, nhỏ san sát nhau.

Không thể kể hết Sài Gòn có bao nhiêu con đường “đặc sản” như vậy. Đôi khi cứ lang thang đâu đó giữa TP chợt nghe mùi thuốc Bắc, thuốc Nam, biết rằng mình đang trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Các con đường gần đó như Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học cũng đã quen thuộc với người TP qua hình ảnh những tiệm thuốc trưng đủ các loại dược liệu, tràn ra cả hai bên đường.

Các loại cây cảnh, hoa kiểng… lại tập trung khá nhiều trên đường Thành Thái (quận 10). Hai bên đường của con đường Thành Thái xanh mát với nhiều cửa hàng bán hoa kiểng, cây thủy sinh hay tiểu cảnh hòn non bộ. Mỗi dịp tết đến xuân về, con đường này lại rực rỡ với đủ những sắc màu của hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền… Đặc biệt không thể thiếu những chậu mai từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến tạo hình rồng phượng công phu để khách có thể chọn mua hoặc thuê trang trí nhà đón tết.

TPHCM cũng không thiếu những “con đường sinh viên” với quán cóc, tiệm net, tiệm photocopy… cùng những cô cậu sinh viên ra vào tấp nập. “Chất lượng sinh viên”, “giá sinh viên”, “phục vụ kiểu sinh viên”, “ăn thiếu, chơi thiếu cũng kiểu sinh viên” xuất hiện ở nhiều khu vực tập trung đông đúc trường học, từ làng đại học Thủ Đức, đến khu cư xá Bắc Hải, luôn tấp nập khi đêm về. Mà nhiều trong số đó, dẹp xong lại xuất hiện, phạt xong lại vô tư chơi tiếp…

3. “Bốn mùa thay lá, thay hoa…” và phố phường cũng vậy, không chỉ có những con đường “đặc sản” năm này tháng nọ. Có những con đường chỉ nhộn nhịp, rực rỡ theo mùa, như một cái lệ đến hẹn lại lên.

Con đường lồng đèn Lương Nhữ Học (quận 5) cứ mỗi dịp Tết Trung thu lại lên đèn, đủ các loại lồng đèn từ đèn giấy, đèn ông sao đến những loại lồng đèn điện tử có nhạc. Mùa Trung thu, con đường này đón hàng ngàn lượt khách đến vui chơi, đặc biệt là nhiều bạn trẻ đến đây để chụp ảnh bên những chiếc lồng đèn đủ sắc màu được treo bán dọc hai bên con đường. Qua Tết Trung thu, đường lại trở về như ngày thường, đèn lồng được gác lên, người ta lại hẹn mùa sau, tiếp tục chờ đợi những chiếc lồng đèn mới và những người quen cũ lui tới tìm chút vui.

Năm hết tết đến, người TP lại háo hức chờ đón những con đường rực rỡ mỗi dịp xuân về như Đường hoa Nguyễn Huệ, phố “ông đồ” (khu vực Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1). Đây cũng là những điểm được nhiều bạn trẻ hẹn nhau cùng xúng xính váy áo, tạo dáng chụp hình bên những khung cảnh rực rỡ của mùa xuân.

Giới trẻ dạo phố ở khu trung tâm TPHCM. Ảnh: An Dung

Đặc biệt Đường hoa Nguyễn Huệ như một điểm hẹn văn hóa, niềm tự hào của người dân TP, mỗi dịp tết đến. Mỗi năm, đường hoa được trang trí theo một chủ đề khác nhau theo con giáp của từng năm. Người Sài Gòn lại được dịp hẹn nhau ra phố ngắm hoa và lưu giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp.

Xôn xao trên bến dưới thuyền, dọc theo kênh Tàu Hủ (quận 8) cứ vào khoảng 20 Tết, khu vực bến Bình Đông lại đón những ghe hoa kiểng tết từ khu vực miền Tây chở về. Từ đây, những chậu hoa kiểng đủ màu sắc được tỏa đi  khắp các nẻo đường, góp phần tô điểm thêm sắc màu rực rỡ cho TP khi xuân về.

Và còn có con đường sách đầu tiên của Việt Nam, Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) cũng đang hàng ngày thu hút lượng khách đông đảo. Đến đây đâu chỉ có mua - bán sách, mà còn là nơi giao lưu của những người yêu sách mới, yêu sách cũ và yêu không gian văn hóa yên ả, thanh bình giữa trung tâm TP.


TPHCM có những con đường “đặc sản” mà chỉ khi bước chậm ngắm phố, mới thấy thật ý nghĩa… 

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục