100 năm du lịch Sầm Sơn

Bước đột phá lịch sử của các làng chài

Bước đột phá lịch sử của các làng chài

Hôm nay 28-4, lễ kỷ niệm 100 Sầm Sơn sẽ được khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi ghi nhận một thế kỷ làm du lịch tại vùng đất vốn chỉ có nghề đánh cá và trồng trọt.

Người ta sẽ không thể nhận ra Sầm Sơn nếu từng đến nơi này cách đây dăm năm. Một vùng làng quê nghèo khó, đầy cát, với các xóm chài nghèo. Những con đường nhỏ, cây cối xác xơ vì sóng gió biển Đông. Bãi tắm chìm ngập trong các mái lá cọ, tối tăm về đêm, đầy những người tẩm quất. Giờ đây, mọi sự đã khác hẳn.

Trên bãi biển Sầm Sơn hôm nay.

Trên bãi biển Sầm Sơn hôm nay.

Chúng tôi thực hiện bài viết này trong một quán Internet không dây, đông nghẹt khách. Các con phố được mở khắp nơi, theo quy hoạch kiểu bàn cờ. Các loại cửa hàng, kiốt cho thuê đều mới tinh, ngăn nắp, sạch sẽ. Đường nhựa mới mở đen bóng. Xích lô tán lọng chạy khắp nơi.

Trên bãi biển, du khách kéo đến khá đông dù trời hơi mù và dư âm của đợt gió mùa Đông-Bắc khiến cho không khí có phần ảm đạm. Khắp các đường phố thắm xanh thắm đỏ các loại cờ, pa nô, băng rôn, chào mừng 100 năm du lịch Sầm Sơn. Du lịch đã trở thành một phép màu, biến đổi hẳn vùng biển khắc nghiệt này.

Các cán bộ thống kê của UBND thị xã Sầm Sơn cho biết dân số hiện tại của thị xã là 60.700 người, trong số đó có gần 50% người dân sống bằng nghề du lịch, dịch vụ.

Năm 2007, thị xã phấn đấu doanh thu từ du lịch dịch vụ sẽ tăng 36% so với năm trước, đạt kỷ lục 308 tỷ đồng. Nguồn thu này đã chiếm tới 60% trong cơ cấu thu nhập của thị xã. Trong khi thu nhập từ nghề thủy sản chỉ là 30 %, đặc biệt từ nông nghiệp chỉ còn 5%. Thu nhập bình quân của người Sầm Sơn hiện tại là 11 triệu đồng/người/năm trong đó có phần đóng góp không nhỏ từ du lịch.

Kỷ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn, không chỉ dừng lại là một “cú hích” lễ hội, kỷ niệm, đầu tư hạ tầng (hơn 70 tỷ đồng từ Nhà nước và khoảng 20 tỷ từ nhân dân), mà đây còn được xác định là thời điểm chuyển mình, chuyên nghiệp hóa nghề du lịch của Sầm Sơn.

Một cán bộ của UBND thị xã cho biết: “Chúng tôi đã mở các lớp đào tạo con người từ dưới nước lên bờ, gồm các lớp dạy về cách phục vụ khách và hành nghề cho người bán hàng, nhân viên khách sạn, xích lô, xe ôm, thợ chụp ảnh… Nói chung, gần như những ai có mặt trên bãi biển đều được đào tạo hết, kể cả người bán hàng rong”.

Tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực đưa thị xã Sầm Sơn lên thành phố loại III trong thời gian gần nhất, với ưu tiên xây dựng một thành phố du lịch, dịch vụ.

NGUYÊN ANH

Tin cùng chuyên mục