Bước thụt lùi

Quốc hội Đan Mạch vừa thông qua luật cho phép quốc gia Bắc Âu này chuyển những người xin tị nạn đến các quốc gia ngoài châu Âu, bất chấp việc Liên hiệp quốc (LHQ) và các tổ chức phi chính phủ kêu gọi Copenhaghen từ bỏ các kế hoạch này. 
Di dân được tuần duyên Libya cứu vớt trên Địa Trung Hải. Nguồn: REUTERS
Di dân được tuần duyên Libya cứu vớt trên Địa Trung Hải. Nguồn: REUTERS

Cụ thể, luật trên sẽ cho phép Đan Mạch di chuyển những người tới nước này xin tị nạn đến các trung tâm tị nạn ở quốc gia đối tác, có khả năng là bên ngoài châu Âu. Tại đây, những người xin tị nạn sẽ được xem xét đơn yêu cầu ở lại, cũng như được quốc gia đó bảo vệ. Phát biểu trên Đài Truyền hình DR, người phát ngôn Chính phủ Đan Mạch về chính sách cho người tị nạn - ông Rasmus Stoklund tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ ngừng xin tị nạn ở Đan Mạch”. 

Dĩ nhiên, luật mới của Đan Mạch vấp phải phản ứng gay gắt. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, coi đó là sự thoái thác trách nhiệm và đùn đẩy nghĩa vụ bảo vệ quốc tế cho các quốc gia khác. Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cũng tuyên bố có “những quan ngại cơ bản” về đạo luật tị nạn mới của Đan Mạch. Người phát ngôn của EC, ông Adalbert Jahnz, khẳng định: “Quyền xin tị nạn là một trong những quyền cơ bản trong khối”.

Theo các chuyên gia, nếu nhắc đến một giá trị lịch sử và bi kịch liên quan đến lịch sử của châu Âu, thì đó là quyền tị nạn. Công ước Geneva về người tị nạn được thông qua vào năm 1951 là nền tảng của một hệ thống bảo vệ quốc tế, được thiết kế từ đống đổ nát của một châu Âu đã không thể bảo vệ những người Do Thái bị đàn áp hoặc ngăn chặn sự di cư ồ ạt của người tị nạn chiến tranh. Công ước hiện đã được 145 quốc gia phê chuẩn, mục đích quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng người tị nạn.

Đây không phải lần đầu Đan Mạch cương quyết như vậy. Quốc gia Scandinavia vốn nổi tiếng về các chính sách nhập cư cứng rắn trong thập niên qua. Nước này cũng đã từng đặt mục tiêu không tiếp nhận người xin tị nạn mà thay vào đó chỉ chấp thuận người tị nạn theo hệ thống hạn ngạch của LHQ. 

Báo Pháp Le Monde nhận định, đối với một quốc gia thuộc EU, động thái mới nhất của Đan Mạch vừa nguy hiểm, vừa gây sốc và có nguy cơ tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại. Mặc dù là thành viên nhưng Đan Mạch đã không tuân thủ chính sách nhập cư và tị nạn của khối. Trong khi thống kê cho thấy trong năm 2020, nước này chỉ nhận được 1.515 đơn xin tị nạn, con số thấp nhất trong 20 năm và ít hơn 10 lần so với nước láng giềng Thụy Điển hoặc Đức tính theo tỷ lệ dân số. Điều này chứng tỏ chính sách tị nạn mới của quốc gia Bắc Âu là một sự thụt lùi vô nghĩa.

Tin cùng chuyên mục