Bước tiến chuyên nghiệp

Các phiên đấu giá từ cuối năm 2022 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phá kỷ lục giá tranh Việt trên sàn quốc tế - bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ (giá hơn 3,1 triệu USD vào tháng 4-2021). Tuy nhiên, trong các phiên đấu giá tại các sàn như Million (Pháp), Christie’s (Pháp), Bonhams (Anh)… giá của tranh Việt tăng đáng kể.
Bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ
Bức Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ

Với tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Mutual Art (trang thông tin trực tuyến cung cấp thông tin đấu giá nghệ thuật toàn cầu) thống kê trên các sàn đấu giá quốc tế, giá tăng gấp 3 lần so với năm 2022 và 2021. Nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: “Cụ thể mức tăng trung bình 1 lô đã bán đấu giá là từ 3.500USD lên 10.500USD, trong khi 3 năm trước đó (2019, 2020, 2021) chỉ từ 3.500USD đến 5.000USD. Trên thị trường quốc tế, tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm giao dịch quanh ngưỡng 2-3 tỷ đồng/tranh cho dòng sơn mài”.

Trong phiên đấu giá 50th Anniversary Contemporary Evening Auction, kỷ niệm 50 năm tại thị trường châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s (Hồng Công) vào tháng 4-2023, bức tranh La Famille dans le Jardin (tạm dịch: Gia đình trong vườn) của họa sĩ Lê Phổ được gõ búa với giá hơn 2,3 triệu USD (sau thuế phí). Nhiều nhà sưu tập và giám tuyển trong nước nhìn nhận, đây là tín hiệu lạc quan cho tranh Việt trong năm 2023.

Cùng với các mức giá triệu USD của tranh Việt trên sàn quốc tế, vào tháng 3 vừa qua, nhà đấu giá Sotheby’s bổ nhiệm giám tuyển Ace Lê trở thành Giám đốc thị trường Việt Nam và nhà đấu giá Christie’s (Pháp) cũng ra thông báo tìm kiếm nhân sự cho thị trường Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, sàn đấu giá quốc tế bổ nhiệm giám đốc thị trường riêng cho tranh Việt và là người Việt Nam. Có thể thấy những tín hiệu khởi sắc trong việc từng bước chuyên nghiệp hóa thị trường nghệ thuật Việt. Tuy nhiên, thanh khoản giao dịch giá trị lớn vẫn dồn toàn bộ vào phân khúc tranh Đông Dương, vượt xa các phân khúc nghệ thuật cổ, kháng chiến hay đương đại. Vậy sau tranh Đông Dương, nghệ thuật Việt còn lại gì trên sàn quốc tế?

Hiện tại, thị trường mỹ thuật trong nước vẫn chỉ ở mức sơ khai, thiếu các thành phần hỗ trợ để có được một thị trường nghệ thuật thứ cấp, như các nhà đấu giá, hội chợ nghệ thuật, triển lãm thường niên, hay gallery đúng nghĩa. Và hệ quả thiếu cả các tham chiếu tin cậy về giá cả và giá trị lượng hóa tài chính minh bạch. Nhiều nhà sưu tập hiện nay nhìn nhận, có thể sưu tầm theo cảm xúc hay thẩm mỹ cá nhân nhưng đầu tư cần các kỹ năng khác hẳn như kiến thức về “due diligence” (tạm dịch: thẩm định chuyên sâu) tìm hiểu, điều tra mọi góc độ của thương vụ, cảm nhận và hiểu thị trường. Đó là công việc đòi hỏi ở mức chuyên gia hoặc các giám tuyển được đào tạo bài bản chứ không phải quen mặt trong giới, đứng ra làm vài triển lãm thì gọi là giám tuyển.

Và để chuyên nghiệp hóa thị trường, cần có sự minh bạch trong giao dịch, mà vấn đề tranh nhái, tranh chép trong nước như… chuyện thường ngày.

Tin cùng chuyên mục