Bước tiến mới trong chinh phục Mặt trăng

Hãng Reuters đưa tin ngày 20-3, tên lửa Trường Chinh-8 đã mang theo vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu Queqiao-2 (Ô thước 2) cùng 2 vệ tinh nhỏ Tiandu (Thiên Đô) 1 và 2 lên quỹ đạo từ đảo Hải Nam, phục vụ cho việc khám phá nửa phía xa của Mặt trăng - giai đoạn mới trong nỗ lực chinh phục hành tinh này.

Tên lửa Trường Chinh-8 tại bệ phóng ngày 17-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tên lửa Trường Chinh-8 tại bệ phóng ngày 17-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Nửa phía gần của Mặt trăng luôn hướng về Trái đất, đồng nghĩa với việc truyền tín hiệu từ nửa phía xa của Mặt trăng về Trái đất không thể thực hiện nếu không có vệ tinh chuyển tiếp. Queqiao-2 sẽ quay quanh Mặt trăng để chuyển tiếp tín hiệu đến và đi từ tàu thăm dò Mặt trăng Chang'e-6 (Hằng Nga 6), dự kiến sẽ được phóng vào tháng 5 tới.

Tàu thăm dò này có nhiệm vụ tìm kiếm, thu thập mẫu vật ở một khu vực ở nửa phía xa của Mặt trăng mà chưa một quốc gia nào trên thế giới “đặt chân” tới. Dự án này không chỉ là bước đột phá lớn về hành trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc mà còn là thời điểm lịch sử đánh dấu công nghệ hàng không vũ trụ của nước này đạt đến một tầm cao mới. Vậy nên, Queqiao-2 được xem là một mắt xích đặc biệt quan trọng trong dự án này.

Khi các phi hành gia tàu Apollo của Mỹ bay vòng quanh Mặt trăng, liên lạc với Trái đất của họ đều bị cắt mỗi khi module chỉ huy đi vào vùng phía xa của Mặt trăng. Điều này là do Mặt trăng tự chặn tín hiệu vô tuyến, cản trở hoạt động liên lạc khi di chuyển đến giữa Trái đất với bất kỳ tàu vũ trụ nào. Nhưng các nhà khoa học Trung Quốc đã giải được bài toán vũ trụ trong hàng thế kỷ qua và vô hiệu hóa được khó khăn mà các nhà khoa học Mỹ không làm được khi họ cho phóng vệ tinh chuyển tiếp bay quanh quỹ đạo của một điểm trong không gian gọi là điểm Lagrangian Trái đất - Mặt Trăng (L2) và đối diện với phía xa Mặt trăng. L2 là một điểm cách Mặt trăng khoảng 65.000km.

Đây là 1 trong 5 điểm Lagrange mà nơi lực hấp dẫn được cân bằng, có nghĩa là Queqiao-2 sẽ vĩnh viễn bay quanh vị trí đó vì trọng lực không kéo nó đi. Việc vệ tinh Queqiao-2 được chế tạo để tồn tại và làm việc tại điểm L2 sẽ giúp nó thu và truyền tín hiệu từ tàu đổ bộ của Chang'e-6 đến các trạm mặt đất trên Trái đất. Queqiao-2 được thiết kế hoạt động trong 8 năm và sẽ tiếp quản nhiệm vụ của Queqiao-1 (được phóng lên quỹ đạo từ năm 2018).

Vệ tinh này cũng sẽ đóng vai trò chuyển tiếp tín hiệu cho sứ mệnh Chang'e-7 (năm 2026) và Chang'e-8 (năm 2028). Đến năm 2040, Queqiao-2 sẽ là một phần của mạng vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu, hoạt động như một cây cầu thông tin liên lạc phục vụ khám phá Mặt trăng cũng như các hành tinh khác như sao Hỏa, sao Kim. 2 vệ tinh nhỏ Tiandu 1 và 2 sẽ thực hiện các thí nghiệm phục vụ việc phát triển mạng vệ tinh này.

Trong khi đó, năm 2019, tàu thăm dò Chang'e-4 là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh xuống nửa phía xa của Mặt trăng. Chang'e-6 là một sứ mệnh rất phức tạp trong số các sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc. Sau khi hạ cánh xuống Mặt trăng, tàu thăm dò cần có khả năng tự động lấy mẫu, bay lên, cất cánh và trở về Trái đất - tất cả đều tự động. Nếu thành công Chang'e-6 sẽ là cuộc trình diễn công nghệ vũ trụ đỉnh cao mà cả Mỹ, Nga, Ấn Độ chưa từng làm được.

Với Chang'e-7 và Chang'e-8, các sứ mệnh này sẽ là cơ sở cho một kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc, được gọi là Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế, dự kiến sẽ được xây dựng vào những năm 2030.

Tin cùng chuyên mục