
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, nhưng tình hình buôn lậu dọc theo tuyến biên giới Tây Nam đã diễn ra khá nhộn nhịp. Các mặt hàng thiết yếu như đường cát, hàng điện máy, ly, tách, điện thoại di động, thuốc lá, tân dược, phụ tùng ô tô… được dân buôn lậu tập trung vận chuyển do giá chênh lệch cao, thu lời nhiều. Lực lượng quản lý thị trường, hải quan, chính quyền cơ sở… đang triển khai nhiều biện pháp nhưng khó ngăn được hàng lậu.
- Đường tăng xăng giảm

Vận chuyển đường cát nhập lậu bằng xe đạp ở biên giới Hà Tiên. Ảnh: GIA HY
Khu vực Vĩnh Ngươn và Vĩnh Xương (An Giang) đang là điểm nóng vận chuyển hàng lậu cung ứng cho thị trường Tết. Từ chợ Tân Châu đi về hướng Vĩnh Xương chỉ cách nhau vài chục phút, đã thấy từng tốp từ 4 đến 10 người nối nhau chở hàng lậu. Đa số hàng lậu từ Om-xà-no (Campuchia) về Vĩnh Xương bằng đường bộ. Đường cát, thuốc lá, điện máy, mỹ phẩm, điện thoại di động… là những mặt hàng chủ yếu.
Tại Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc), tình hình hết sức nóng bỏng. Đường cát hiện là mặt hàng chủ yếu được nhiều người tham gia vận chuyển. Vĩnh Ngươn tiếp giáp với Gò Tà Mâu (Campuchia), nơi có nhiều kho hàng đầy ắp, sẵn sàng cung ứng bất cứ lúc nào. Hàng lậu chỉ cần lọt qua biên giới là lập tức “hòa tan” vào chợ Châu Đốc khó mà phát hiện.
Mới đây, lực lượng hải quan phối hợp cùng các ngành liên quan phát hiện một tốp người vận chuyển trên 2,5 tấn đường cát Thái Lan từ phía Campuchia đưa về kênh Vĩnh Tế giữa đêm khuya. Số đường này chưa kịp vào chợ Châu Đốc thì bị phát hiện, tất cả đều “bỏ của chạy lấy người”.
Theo ông Trương Bửu Tài, Trưởng phòng Tham mưu chống buôn lậu và xử lý – Cục Hải quan An Giang, gần đây, đường cát nhập lậu tăng cao. Chỉ riêng tháng 11–2005, Hải quan và Biên phòng bắt khoảng 11.550 kg, tăng nhiều lần so những tháng đầu năm. Tại Kiên Giang, lực lượng chống buôn lậu cũng vừa bắt được 9 tấn đường cát vận chuyển bằng xe tải về Rạch Giá vào ban đêm. Theo nhận định của các ngành chuyên môn, ngoài sự chênh lệch giá từ 300đ đến 500đ/kg so với đường nội, thì nhu cầu tiêu thụ đường từ nay đến Tết rất cao, từ đó thu hút nhiều người đai vác kiếm lời.
Trong khi đường cát và một số mặt hàng khác “nóng” lên từng ngày, thì việc xuất lậu xăng dầu sang Campuchia có chiều hướng giảm. Tại xã Mỹ Đức (Hà Tiên – Kiên Giang), từng là cửa ngõ tuồn xăng dầu qua biên giới, nay yên vắng lạ thường. Anh Nguyễn Tấn Sĩ, Trưởng Công an xã Mỹ Đức, giải thích: “Hàng loạt biện pháp mạnh được làm kiên quyết và có sự phối hợp đồng bộ, bước đầu đem lại hiệu quả. Tình hình đã giảm khoảng 90% so với lúc cao điểm. Tuy nhiên, giữa tháng 11 xuất hiện một vụ chuyển 50 can dầu từ biển Hà Tiên sang tàu Campuchia vào ban đêm. Chúng tôi phải triển khai nhiều biện pháp mới bắt được, nên không thể xem thường”.
- Đối phó bằng cách nào?
Theo Cục Hải quan An Giang, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt 193 vụ vận chuyển hàng lậu, trị giá khoảng 18 tỷ đồng. Xã Mỹ Đức kiểm tra hàng chục vụ, tịch thu hàng hóa gần 80 triệu đồng. Hiện tại, dân buôn lậu xăng dầu chuyển từ việc đi can nhựa sang bơm xăng vào xe Honda hoặc bao ni- lông… nhằm qua mắt ngành chức năng.
Anh Nguyễn Tấn Sĩ, Trưởng Công an xã Mỹ Đức, cho rằng: “Tình hình không giảm là do sự lấn cấn trách nhiệm giữa một số cơ quan. Giải quyết vấn đề này, Công an xã Mỹ Đức đã chủ động phối hợp cùng ngành giao thông xử lý các xe vận chuyển cồng kềnh; lực lượng phòng cháy chữa cháy không cho các cây xăng bơm vào can nhựa, bao ni-lông… vì thiếu an toàn. Song song đó, công an khoanh vùng các đối tượng thường xuyên buôn lậu, buộc làm cam kết và cho người theo dõi. Mặt khác, giám sát chặt 3 cây xăng giáp biên giới”.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã biên giới Hưng Điền B huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An, đưa ra giải pháp giúp dân nghèo bằng cách cho 32 hộ mượn 40 ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Một khi có thu nhập, có thể họ không còn đi vác hàng lậu.
Những cách làm trên bước đầu có hiệu quả, nhưng không dễ triển khai đại trà. Anh Võ Văn Liêm, Chánh văn phòng UBND xã Vĩnh Xương (Tân Châu - An Giang), trăn trở: “Giải quyết buôn lậu không thể vận động suông được, mà phải giúp cụ thể cho dân nghèo. Cái khó là hoạt động thương mại – dịch vụ ở biên giới rất hạn chế. Tại xã có 6 chợ “chồm hổm”, buôn bán nhỏ giọt.
Do đó, khi hỗ trợ 94 hộ nghèo vốn làm ăn thì hiệu quả rất thấp”. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm cách nào để ngăn hàng lậu đang là bài toán chưa có lời giải. Từ nay đến Tết, tình hình buôn lậu ở biên giới Tây Nam được nhận định sẽ gia tăng. Ngoài các mặt hàng lậu nay như thuốc lá, điện thoại, mỹ phẩm, đường cát… thì gia cầm, gia súc cũng là nguy cơ tràn qua biên giới những lúc cao điểm.
Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh lo lắng: Ngăn hàng lậu những ngày tới sẽ hết sức khó khăn. Ngay từ bây giờ phải lập các chốt, vừa kiểm dịch vừa chống buôn lậu. Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất, chớ không thể xóa triệt để được.
HUỲNH LỢI – PHƯƠNG UYÊN