Cả nước tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng

Mùa khô còn dài

Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) đưa ra cảnh báo: mùa khô hạn vẫn đang diễn biến khốc liệt, nhiều nơi đã nhiều tháng nay chưa hề có mưa đồng nghĩa với nguy cơ gây cháy rừng trên diện rộng, mà vụ cháy ở rừng quốc gia Hoàng Liên vào đúng dịp tết vừa qua chỉ là một điểm nóng.

Mùa khô còn dài

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống cháy rừng Trung ương, vụ cháy rừng ở vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai-Lai Châu) đã gây thiệt hại khoảng 1.000ha rừng. Trong đó, tỉnh Lào Cai thiệt hại nặng nề hơn với 700ha rừng vùng đệm của vườn quốc gia Hoàng Liên, còn lại là phần rừng của tỉnh Lai Châu. Do khả năng dập lửa có hạn nên lửa đã bén vào một phần vùng lõi của rừng quốc gia.

Cho tới hôm qua (23-2), thiệt hại về vụ cháy rừng Hoàng Liên vẫn chưa thể thống kê được. Song chắc chắn vụ cháy đã gây tổn hại rất nhiều tiền của do phải huy động một lượng người, phương tiện tham gia cứu hộ lên tới 2.500-3.000 người và sau 8 ngày mới cơ bản dập được lửa (từ ngày 8 đến 16-2).

Nhưng hiện tại, nhiệt độ khu vực Tây Bắc lại nhích lên cao, mưa không đáng kể, còn hanh khô nên nguy cơ lửa quay trở lại là điều không thể chủ quan. Đây cũng không phải lần đầu tiên rừng quốc gia Hoàng Liên bị cháy, song theo ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Cục Kiểm lâm) thì đây là vụ cháy nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ở Tây Bắc, chỉ sau vụ cháy ở rừng quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ vào năm 2002.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống cháy rừng Trung ương, từ đầu mùa khô, tức là từ khoảng tháng 10-2009 tới nay, thời tiết hanh khô kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cực kỳ nguy hiểm. Cũng theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), trung bình mỗi ngày cả nước đang xảy ra 2-3 vụ cháy rừng lớn nhỏ.

Không riêng các khu rừng nguyên sinh ở Tây Bắc, ngay cả các khu rừng thuộc Tây Nam bộ hoặc Tây Nguyên hiện cũng đang đặt trong tình trạng báo động đỏ do thời tiết hanh khô. Cụ thể, tỉnh An Giang đang có trên 12.000ha rừng “nguy hiểm”, Cà Mau có 21.000ha rừng tràm U Minh Hạ bị khô nước, trong đó có trên 3.000ha đang ở mức báo động đỏ.

Để phòng “bà hỏa”, chi cục kiểm lâm địa phương đã yêu cầu “đóng cửa rừng”, không cho bất cứ ai vào nếu không được phép, ngay cả khách du lịch vào tham quan cũng phải có hướng dẫn viên hướng dẫn.

Thiếu thiết bị chữa cháy rừng

Theo ông Đỗ Thanh Hải, để hỗ trợ các địa phương thực hiện phòng chống cháy rừng, Cục Kiểm lâm đã có dự án trang bị phương tiện phòng chống cháy rừng cho 30 tỉnh, thành có nhiều rừng, nhưng hiện việc triển khai khá chậm chạp do thiếu vốn. Do đó, nhiều địa phương gặp lúng túng khi có sự cố xảy ra do thiết bị không có sẵn.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cũng cho rằng, không loại trừ việc các địa phương lơ là, chủ quan với yêu cầu thường trực phòng chống cháy rừng, đã từng có nơi xảy ra cháy rừng nhưng lâu sau đó lực lượng cứu hộ mới có mặt…

Song theo ông Hải, nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người dân đốt nương làm rẫy hoặc vào rừng bắt tổ ong, châm lửa rồi bỏ mặc lửa cháy, chiếm đến 60%-70% tổng số các vụ cháy trong vòng 5 năm trở lại đây.

Còn ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Lào Cai - thì cho rằng, chúng ta cần phải hướng dẫn người dân thay đổi tập quán khi đốt nương rẫy. Nhiều nơi việc đốt nương rẫy là một cách để canh tác, không tránh được, song nên hướng dẫn bà con các đặc tính gây cháy rừng, hướng gió thổi…

Chẳng hạn khi đốt nương nên để ngọn lửa ở trên cao cháy dần xuống thì sẽ không bao giờ gây cháy rừng trên diện rộng, lan ra nhiều khu vực khác. Cuối cùng vẫn là chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi đốt nương, đốt tổ ong gây cháy rừng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và môi trường.

Phúc Văn

TPHCM nhiệt độ lên tới 34 - 35°C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, sau những ngày rét ở Bắc bộ, hiện từ phía Tây đang xuất hiện một rãnh áp thấp nóng lan tỏa dần về phía Đông Nam, làm khu vực Tây Bắc bộ nóng dần lên, sau đó ảnh hưởng tới toàn khu vực Bắc bộ. Đến ngày 26 và 27-2, từ phía Bắc của nước ta, sẽ có một bộ phận không khí lạnh tràn xuống nhưng cường độ yếu nên cơ bản không làm thời tiết lạnh trở lại.

Tuy nhiên, không khí lạnh sẽ đẩy khối không khí nóng xuống phía Nam, làm các tỉnh ở Trung bộ nóng rực lên trong vài ngày. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam vẫn nắng nóng trên diện rộng. Trong đó, TPHCM nhiệt độ cao nhất lên tới 34 – 35°C.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, những ngày gần đây, mực nước sông Hồng và hệ thống các sông ở miền Bắc đang xuống rất thấp.

Trong ngày 23-2, mực nước sông Hồng đã xuống mức thấp nhất là 0,57m và có thể xuống tới 0,32m vào rạng sáng nay (24-2). Tuy nhiên, mức kỷ lục là vào tối 21-2 vừa qua, khi mực nước sông Hồng chỉ còn 0,1m.

Ph.Hậu

Tin cùng chuyên mục