Sau gần 15 năm chờ đợi, cà phê Việt Nam đã trở lại vị thế đỉnh cao của mình, với giá 32 - 46 triệu đồng/tấn trong niên vụ 2010-2011. Tuy nhiên, trên đỉnh cao này, các doanh nghiệp (DN) lại gặp rất nhiều khó khăn và điều đó cho thấy chiến lược phát triển, năng lực cạnh tranh của toàn ngành còn nhiều bất ổn.
Giá “nóng”, bán “lạnh”
Tìm hiểu từ nhiều kênh, có thể tin chắc rằng không một DN nội địa nào trong ngành cà phê của nước ta đạt được mức thu mua - xuất khẩu theo đúng tiến độ dự kiến trong niên vụ này. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Hòa, một trong 10 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, cho biết, các DN xuất khẩu hiện đang rất khó mua nguồn hàng vì đang lúc thời tiết bất lợi, dân dự đoán giá còn cao nữa, nên găm hàng.
Giá cà phê lên cao, nhưng là niên vụ đen đủi của các DN nội. Đầu niên vụ (tháng 11-2010), tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đã vượt 25% so với kế hoạch của NHNN. Đến thời điểm 31-12-2010, tiếp tục lên đến 33%. Khi tăng trưởng tín dụng nóng thì Nhà nước lại có chính sách hút tiền vào, các DN cà phê đang lúc cần vốn, nhưng ngân hàng lại không cho DN vay tiền.
Khó khăn này tiếp tục kéo dài, vì sang quý 1 - 2011, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát nên hạn mức tín dụng của các DN thu mua hầu như không được tăng. Đúng lúc đó giá cà phê lại tăng. Nhu cầu vốn cho 1 tấn cà phê tăng thêm 8 triệu đồng so với đầu niên vụ. “Bây giờ, tín dụng bắt đầu được nới lỏng cho các DN thì lượng cà phê trong dân đã cạn”, ông Nguyễn Văn An than thở.
Càng tranh giành, càng thêm khó
Các doanh nhân ở khu vực Tây Nguyên những ngày này nói rằng: Nhìn doanh nhân cà phê là biết ngay, họ luôn có một mái đầu bạc và trái tim to. Đầu bạc vì lo giải quyết khó khăn. Tim to là do phải đối phó nhiều với những cơn… nhồi máu! Gốc của “chứng bệnh” này là do các DN giỏi tranh nhau hơn là liên kết, chia sẻ. Lúc giá lên hay xuống, họ đều bị DN nước ngoài ép giá. Mười phần lợi nhuận thì đã tốn ba, bốn phần để bù phần thua thiệt bởi tranh bán-chấp nhận trừ lùi (mức trừ giá so với giá thị trường thế giới).
Còn ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Hòa, cũng ngán ngẩm: “Chúng tôi tham gia vào Hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam, tham gia cả CLB của những nhà xuất khẩu cà phê, nhằm thống nhất với các DN xuất khẩu cà phê tìm cơ hội để bán cà phê có giá trị cao, hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên trong cuộc họp thì có vẻ thống nhất nhưng ra ngoài cuộc họp, mỗi ông làm một phách, không tạo ra sự liên kết nào cả”.
Trong lúc này, yếu huyệt của việc sản xuất-kinh doanh cà phê Việt Nam lại tái bộc lộ, khi đã dễ dàng về giá thì khó đảm bảo chất lượng. Theo đánh giá của nhiều DN, những vùng cà phê tốt nhất ở Tây Nguyên, như Đắc Min (Đắc Nông), Buôn Hồ, Krông Pách (Đắc Lắc), Ia Grai (Gia Lai), Đắc Hà (Kon Tum)… cũng chỉ thu hái được 75% quả chín, xuống hẳn so với mức 90% đã từng đạt trước đây 2 năm.
Vấn đề chất lượng cà phê hiện nay rối như canh hẹ, chưa biết phải gỡ từ đâu. Còn nếu không gỡ, chất lượng cà phê Việt Nam có nguy cơ “mèo lại hoàn mèo”, lại mất điểm trên thị trường thế giới và không thoát ra được cảnh bị trừ giá.
Chung tiếng thở dài với DN cà phê, khi dự Hội thảo về tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu Đắc Lắc mới đây, tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các DN buộc phải chấp nhận những khó khăn tài chính ngắn hạn, trong vòng vài tháng tới không thể giải quyết. Thay vào đó, ngay từ lúc này hãy chuẩn bị cho một “cuộc đua” đường trường.
“Hãy củng cố bộ máy bằng những người giỏi, nâng cao năng lực dự báo thị trường, đầu tư sâu để phát triển, đẩy mạnh tìm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chế biến sâu”, ông Lê Xuân Bá khuyến cáo.
ĐÌNH TUẤN
Thống nhất các giải pháp phát triển cà phê bền vững Ngày 22-4, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với tỉnh Đắc Lắc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất cà phê năm 2010 và bàn giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới. Hội nghị cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng Chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2011-2020, có cơ chế chính sách, nguồn lực để đảm bảo tái canh thành công 100.000 ha cà phê trong 10 năm đến. Bố trí nguồn vốn tín dụng quay vòng với lãi suất ưu đãi để cho các doanh nghiệp vay, chủ động mua tạm trữ cà phê khi cần thiết nhằm can thiệp kịp thời khi giá cà phê xuống thấp, khó tiêu thụ, góp phần ổn định đời sống của người sản xuất cà phê… L.NAM |