Hai đêm nhạc cuối tuần qua tại phòng trà ATB 197/4 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, với chương trình dành riêng cho chàng ca sĩ Anh, Lee Kirby hát nhạc Việt và biểu diễn khúc dân ca Bèo dạt mây trôi cùng ca sĩ Ánh Tuyết, đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả thành phố. Một lần nữa, phòng trà ATB đã giới thiệu “phong cách mở” nhưng vẫn mang nét riêng đặc sắc của mình. Nhân buổi biểu diễn này, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng có cuộc trò chuyện với ca sĩ Ánh Tuyết.
° PV: ATB luôn có những chương trình âm nhạc khá ấn tượng như tour xuyên Việt mùa xuân năm ngoái và bây giờ là sự xuất hiện của Lee Kirby, với phong cách hát “rất mộc”. Đó là một kiểu hoạt động làm… mới phong cách biểu diễn của phòng trà?
° Ca sĩ ÁNH TUYẾT: Tôi nghĩ trước tiên là ý nghĩa giao lưu văn hóa khi dành chương trình nhạc Việt cho Lee Kirby. ATB thỉnh thoảng vẫn tổ chức những buổi biểu diễn dành cho ca sĩ nước ngoài yêu quý nhạc Việt Nam như đã từng tổ chức các đêm nhạc Việt cho Richard Fuller (người Mỹ) hay Frank Gerke (người Đức). Chúng ta làm sao không vui và và không tự hào khi nghe người nước ngoài hát nhạc Việt bằng tiếng Việt thật có hồn, thật truyền cảm và rất hay.
Về Lee Kirby, thực ra, trước khi đến ATB, anh đã là nhân vật quá nổi tiếng trên mạng với những ca khúc của Trịnh Công Sơn mà anh phân tích là ca từ đầy ý nghĩa triết lý. Về nhạc Trần Tiến, anh cảm nhận thấm đượm hơi thở cuộc sống đương đại. Tôi cho rằng những suy nghĩ của Lee khá tinh tế. Sự thành công của Lee Kirby trước hết xuất phát từ tình cảm, từ lòng nhiệt thành của anh ấy với nhạc Việt. Chính phong cách hát “mộc”, chất giọng truyền cảm, sâu lắng đã là đặc điểm riêng, rất thu hút của Lee.
Điều đáng quý là Lee Kirby biết tiếng Việt không rành lắm nhưng đã chịu khó tìm hiểu nghĩa từng từ của một ca khúc và tìm cách xử lý, diễn tả đúng tình điệu, đúng ý nghĩa tình cảm chất chứa trong ca từ. Bởi vậy khi hát ca khúc Diễm xưa của Trịnh Công Sơn, từ ban đầu có vẻ hơi “pha màu” rock nhưng khi được trải nghiệm với môi trường nhạc Việt, nghe bạn bè Việt Nam hát, Lee Kirby “thấm” dần và hát khá truyền cảm.
Trường hợp bài Ôi quê tôi của Lê Minh Sơn cũng vậy, khi nghe Tùng Dương hát, Lee Kirby cố gắng tìm hiểu hình ảnh chim sâu, khói chiều… Và, khi hiểu ý nghĩa ca từ, hình ảnh, giai điệu, anh đã đặt tâm hồn mình vào ca khúc một cách thuyết phục nhất.
° Trong đêm nhạc của Lee Kirby, một bạn trẻ đã lên phát biểu “nhờ đi nghe Lee biểu diễn, em đã khám phá ra một ca sĩ Ánh Tuyết có giọng hát quá tuyệt vời!”, chị nghĩ gì về điều này?
° Có thể, ban đầu người nghe hơi ngỡ ngàng nhưng đó là điều tôi rất vui, bởi nó đã chứng minh sự quan tâm của lớp trẻ về hoạt động nghệ thuật của ATB. Các bạn ấy là thế hệ khán giả khá trẻ, được gọi là “cư dân mạng”, tất nhiên họ đã hình thành một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc nào đó khi ngày nay đã có quá nhiều phương tiện hiện đại nghe nhìn, quảng bá âm nhạc.
Đó cũng là điều làm những người hoạt động âm nhạc như chúng tôi trăn trở và suy nghĩ. Phải cố gắng tìm một hướng đồng hành âm nhạc với thời đại như thế nào để có được sức lan tỏa nghệ thuật đến công chúng một cách hiệu quả nhất!
° Chính vì vậy, ATB đang có dự án thay đổi phong cách biểu diễn trong thời gian tới? Suy nghĩ của chị về hiện tượng hát bè bây giờ có vẻ thành “mode”, lấn lướt đơn ca?
- Khi đã tạo được một nét nghệ thuật biểu diễn riêng, không ai muốn thay đổi phong cách của mình. Ánh Tuyết và ATB đã gắn liền tên tuổi với dòng nhạc trữ tình, cho nên từ những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong hay đến sau này của Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Văn Phụng, Phạm Thế Mỹ, Lam Phương v.v… và cả những ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ đương đại, vẫn là hướng tìm tòi, khám phá nghệ thuật âm nhạc Việt Nam của ATB. Âm nhạc của mỗi thời đại luôn rung động cùng nhịp sống thời đại đang diễn ra.
Tất nhiên, trong sự nỗ lực tìm tòi này, chúng tôi vẫn tâm niệm phải chọn lọc đúng tinh hoa âm nhạc, mong muốn khám phá những tâm hồn đẹp, ca khúc hay của những nghệ sĩ đã cống hiến nghệ thuật cho cuộc sống. Công việc này rất khó, nó giống như việc “đãi cát tìm vàng”!
Về hát bè, ATB được coi là đi tiên phong, tạo được phong cách này ở phòng trà; nhưng hiện tại, hình thức biểu diễn của ban nhạc đã xuất hiện ở nhiều tụ điểm ca nhạc. Tình trạng “chạy sô” hát bè có khi còn nhiều hơn ca sĩ hát đơn ca. Tất nhiên, điều này đã làm chất lượng nghệ thuật giảm sút.
Tôi cho rằng, để không “dậm chân tại chỗ”, riêng ATB sẽ phấn đấu thực hiện một dự án mới, tạo không gian nghệ thuật ATB mới, rộng mở và hy vọng tập hợp được nhóm nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật. Dự án này đang tiến hành, tôi chỉ dám nói rằng tinh thần cao nhất của chúng tôi là tình nghệ sĩ.
| |
KIM ỬNG