
(SGGP-12G).- Vừa qua, Báo SGGP 12 Giờ đã phản ánh về hàng loạt công trình đào đường chậm tiến độ; nhà thầu thi công không đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường; thi công xong tái lập mặt đường cẩu thả gây tai nạn cho người đi đường; có nhà thầu vi phạm nhiều lần nhưng vẫn không bị đình chỉ thi công… Liên tục trong tuần qua, nhiều bạn đọc đã có ý kiến về vấn đề này, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.
Rào “lô cốt” để kịp giải ngân
Tôi là kỹ sư chuyên ngành cầu đường, từng thi công nhiều công trình đào đường có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài. Đối với dân chuyên ngành thì cách giải thích nguyên nhân công trình nhếch nhác, chậm tiến độ của chủ đầu tư và đơn vị thi công hiện nay khó mà chấp nhận được. Thiết nghĩ, đơn vị giám sát, cơ quan quản lý nhà nước cứ đi thực tế một vài “lô cốt” đào đường sẽ thấy được sự bất hợp lý đó.

Hầu như các nhà thầu đều đua nhau rào “lô cốt” để kịp tiến độ giải ngân. Đơn cử, nhà thầu WASECO triển khai hàng loạt “lô cốt” trên đường Trường Chinh nhưng nhìn số lượng thiết bị, phương thức thi công ở công trường này, theo tôi chậm tiến độ là điều biết trước.
Một “lô cốt” dài chỉ gần 100m nhưng thời gian thi công đến hơn 2 tháng (bình quân 1 ngày chỉ đào, lấp được gần 2m). Đó là chưa nói trong công trường chỉ có một máy đào và vài công nhân và ban ngày không làm. Trong khi đó, nếu thi công bình thường thì 100m trên sẽ hoàn tất trong vòng 1 tháng. Điều đáng nói là các nhà thầu này chấp nhận bị phạt để rồi lại coi thường các thiệt hại về kinh tế - xã hội của thành phố.
Để khắc phục tình trạng thi công ì ạch, thiếu trách nhiệm, Sở GTVT cần duyệt lại tổng thể thời gian thi công, tăng cường làm ba ca, phạt bằng tiền thật nặng những nhà thầu chây ì, chậm tiến độ và mạnh dạn đình chỉ thi công ngay, không cho tham gia thi công các công trình.
Nguyễn Văn Thân
(quận 9, TPHCM)
Phải kiên quyết đình chỉ các nhà thầu vi phạm
Thực hiện những dự án đào đường để chỉnh trang đô thị là điều cần thiết và là việc phải làm của TPHCM. Tuy nhiên, năng lực quản lý, thi công quá yếu kém cùng với việc xử lý không cương quyết, nên việc triển khai đồng loạt công trình trên nhiều tuyến đường đã gây ra trình trạng ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Ngoài việc thi công chậm, cẩu thả khiến không ít người đi đường bị té ngã thì công tác tổ chức thi công của đơn vị quản lý nhà nước cũng cần xem lại. Hơn nữa, các công trình đào đường thi công kéo dài, đặc biệt là đối với những “lô cốt” nằm ở những ngã tư đường đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra đường. Tôi đề nghị, đối với những công trình vi phạm quy chế đào đường phải dứt khoát đình chỉ thi công.
Phạm Trọng Thịnh
(giáo viên, quận 2)
Lãng phí 100 triệu USD, ai chịu?

Đối với các công trình vi phạm hiện nay, trách nhiệm, năng lực điều hành và quản lý của Sở GTVT cũng cần được xem lại. Là cơ quan quản lý nhà nước nhưng xem ra việc kiểm tra các đơn vị thi công là rất ít? Về cách thi công các công trình, tại sao không làm theo kiểu cuốn chiếu từng vùng một cho thật nhanh chứ việc gì phải làm dàn trải cả thành phố? Những công trình thi công cẩu thả, tái lập sơ sài gây tai nạn cho người đi đường nhưng ít được kiểm tra nhắc nhở. Để khi xảy ra tai nạn rồi mới quy toàn bộ trách nhiệm cho đơn vị thi công.
Việc triển khai chậm, thiếu khoa học đã khiến cho dự án vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè phải điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm gần 100 triệu USD, tức là 1/2 tổng số vốn đầu tư ban đầu. Sự lãng phí này ai chịu trách nhiệm?
Nguyễn Minh Châu
(cán bộ hưu trí, phường 4, Tân Bình)
Sở GTVT không thể không biết
Hiện nay nhiều công trình đào đường đã hết hạn thi công nhưng lại rào chắn và không thi công tiếp, bảng công bố thông tin về công trình đã bị tẩy sửa nhiều lần. Cụ thể công trình trên đường Trường Chinh, đoạn gần ngã ba Bà Quẹo ghi thời gian thi công toàn tuyến từ 3-3 đến 8-8-2008 nhưng rào chắn lại kéo dài đến 15-8-2008. Hơn nữa, khi làm xong công trình, nhà thầu thường tái lập mặt đường rất cẩu thả.
Cụ thể, đường Đinh Tiên Hoàng, mặt đường gần vách ngăn thi công công trình gồ ghề, nứt, sụp làm xe máy đi ngang bị trượt bánh khi cán phải vết nứt. Đã xảy ra những trường hợp người đi xe máy bị lọt bánh xe vào khe nứt, bánh xe cán phải cừ tràm do đơn vị thi công vứt ngổn ngang. Hay trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vì đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả nên xuất hiện hàng loạt ổ voi, ổ trâu trên tuyến và phải dặm vá loang lổ như một tấm áo rách... Tôi nghĩ, những vi phạm này phía Thanh tra Sở GTVT không thể không biết.
Nguyễn Thị Lan
(đường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú)
Nói cần đi đôi với làm

Mới đây chúng tôi có nhận được Thông báo số 67/TB-SGTVT do Sở GTVT ban hành ngày 20-8-2008 với nội dung chấn chỉnh, xử lý các vướng mắc nhằm cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, tạo sự thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân thành phố. Qua thông báo này, Sở GTVT cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt và kiên quyết xử phạt nghiêm các đơn vị vi phạm pháp luật trong quá trình thi công; các nhà thầu vi phạm, bị xử phạt nhưng không chấp hành nộp phạt hoặc chậm khắc phục sẽ được cung cấp rộng rãi cho các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Sở GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và thành lập Tổ kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các Phòng Quản lý chuyên ngành của Sở, Thanh tra Sở GTVT, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 và đại diện các chủ đầu tư để kiểm tra việc thi công các công trình trong đô thị.
Đây không phải là lần đầu tiên Sở GTVT đưa ra những quy định và thông báo mang tính chất bắt buộc. Đơn cử là thông báo mới đây về buộc các nhà thầu phải làm việc 3 ca nhưng không thực hiện. Hy vọng rằng sau thông báo này, nói sẽ đi đôi với làm.
Nguyễn Đình Long (quận 6, TPHCM)
Thông tin liên quan:
>> Tái lập mặt đường sau khi thi công chậm, cẩu thả…
>> Sáng nay, các công trình đào đường vẫn vắng công nhân