Các công trình thủy điện nổi tiếng thế giới

Các công trình thủy điện nổi tiếng thế giới

Nối tiếp các công trình thủy điện lớn Hòa Bình, Trị An, Yaly, mới đây Việt Nam lại xây dựng công trình thủy điện Sơn La, nhằm bổ sung nguồn năng lượng lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Nhìn ra các nước, thống kê mới nhất của Hiệp hội Thủy điện quốc tế cho thấy năng lượng do thủy điện cung cấp cho gần 20% dân số thế giới. Chính vì vậy bên cạnh các nguồn năng lượng khác chi phí cao và ngày càng khan hiếm, các nước vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển ngành thủy điện vững mạnh dựa vào khai thác nguồn tài nguyên sẵn có đồng thời điều chỉnh hướng phát triển sao cho không gây nguy hại tới môi trường.

  • Các công trình thủy điện nổi tiếng
Các công trình thủy điện nổi tiếng thế giới ảnh 1

Đập thủy điện Itaipu ở Brasil – Paraguay.

Quần thể Thủy điện La Grande được xây dựng tại thành phố Baie-James, tỉnh Quebec, Canada. La Grande được đặt theo tên con sông Grande dài 800km chảy theo hướng Đông-Tây đổ vào vịnh James. La Grande có tổng diện tích 176.000km2, trong đó 6% diện tích (9.900km) được xây dựng làm hồ chứa.

La Grande được khởi công từ năm 1973, chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ năm 1973-1985 có 3 tổ máy với công suất 10.300 MW. Trong giai đoạn 2 từ năm 1986 - 2008, người ta xây thêm 2 tổ máy nữa nhằm bổ sung thêm 5.000 MW. Sau khi hoàn tất La Grande sẽ có tổng công suất gần 16.000MW.

Việc xây dựng quần thể thủy điện La Grande được coi là một kỳ công khi hơn 3.400km đường sá đã được hoàn tất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với tốc độ 2km/ngày. Do không thể vận chuyển vật liệu xây dựng và thiết bị máy móc bằng máy bay dưới khí hậu lạnh, các kỹ sư và công nhân nảy ra sáng kiến lợi dụng chính sự khắc nghiệt của thời tiết để thi công. Họ tạo ra hàng loạt “con đường mùa đông” với những cây cầu và mặt đường bằng… băng, máy móc thi công đã “trượt băng” đến công trường.

Đập thủy điện Itaipu (tiếng Tupi Guarani có nghĩa là hòn đá hát) là một trong những đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm giữa biên giới Brasil và Paraguay trên sông Parana. Tổng công suất của Itaipu lên tới 14.000 MW và được Hiệp hội Kỹ sư Cầu đường châu Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại. Brasil và Paraguay cùng chia đôi sở hữu công trình này cũng như chi phí xây dựng và bảo trì nó. Tuy nhiên, Paraguay lại bán lại phần lớn sản lượng điện trong phần sở hữu của mình cho Brasil. Dù vậy, nhà máy vẫn có khả năng đáp ứng 25% nhu cầu tiêu thụ điện của Brasil và 90% nhu cầu của Paraguay.

Đập thủy điện Sayano Shushenskaya của Nga cao 242m là công trình chính của nhà máy thủy điện Sayansk lớn nhất nước Nga, hoàn thành vào năm 1989 với công suất 6.400 MW. Điện từ nhà máy này chủ yếu được dùng để sản xuất nhôm. Điều đặc biệt của công trình này là các kỹ sư Nga đã cho xây dựng một hệ thống nâng tàu qua đập để tàu thuyền có thể qua lại vùng này bình thường. Hồ chứa nước Krashnoyarskoye của thủy điện có diện tích 2.000km2, sức chứa 73,3km3 nước, dài 388km và nơi rộng nhất là 15km, hồ có độ sâu 105m gần chân đập. Công trình này sau khi hoàn tất đã làm biến đổi hoàn toàn khí hậu của vùng Yenisei.

Đập thủy điện Hoover ở Mỹ lại nổi tiếng theo một cách hoàn toàn khác la. Việc đặt tên cho nó là nguyên nhân dẫn tới việc chính phủ đề ra một điều luật riêng, cụ thể (trái ngược hẳn với tính chất khái quát của luật). Ban đầu đập Hoover được dự tính xây dựng tại hẻm núi Boulder, sau đó dời sang hẻm núi Black để tăng hiệu suất ngăn nước. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là dự án đập Boulder. Vào ngày khởi công chính thức công trình 17-9-1930, thư ký nội vụ của Tổng thống Hoover, ông Ray L.Wilbur thông báo đập nước ở sông Colorado này sẽ mang tên Tổng thống Hoover. Wilbur đã đặt tên dựa theo truyền thống của các đập nước trước đó vốn thường mang tên của tổng thống đương nhiệm trong thời gian đập nước được xây dựng. Quốc hội đã chính thức phê chuẩn tên “Đập Hoover” vào năm 1931.

Nhưng vào năm 1932, Hoover thất cử trong kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp trước đối thủ của mình là Franklin Delano Roosevelt. Khi Roosevelt vào Nhà Trắng, thư ký Harold Ickles thay thế vị trí của Wilbur xem xét dự án hẻm núi Boulder và đề nghị đổi tên Hoover trở lại thành Boulder như cũ. Ickles không thể “chính thức” đổi tên dự án vì nó đã được Quốc hội phê chuẩn, tuy nhiên, trên thực tế, sau những cuộc vận động của ông ta thì cái tên Hoover hầu như chỉ còn được nhắc đến trong văn bản pháp quy của Quốc hội. Roosevelt chết năm 1945 và một năm sau đó Ickles cũng về hưu.

Đến năm 1947, Nghị sĩ tiểu bang California Jack Anderson đề xuất dự thảo Quy định Hạ Viện số 140 nhằm “phục hồi” tên gọi đập Hoover. Cuối cùng, Tổng thống Truman ký quyết định thông qua Điều luật dân sự số 43. Trong đó ghi rõ: “...Tất cả các điều luật, quy định và văn bản báo cáo trên toàn liên bang có liên quan đến đập nước nêu trên phải được tham chiếu, sửa chữa và sử dụng dưới tên “Đập Hoover” (Hoover Dam)”.

  • Điều chỉnh hướng phát triển thủy điện an toàn

Với việc phát triển thủy điện, các nước có thêm nguồn năng lượng song song với nhiệt điện, giúp không quá lệ thuộc nguồn nhiệt điện do nguồn cung dầu mỏ nhiều khi biến động thất thường, giá cao. Nhưng mặt khác, người ta nhận thấy mặc dù các công trình thủy điện lớn cung cấp điện cho khoảng 20% dân số toàn cầu song nó lại có ảnh hưởng lớn tới thổ nhưỡng, địa chất, nguồn nước, khí hậu…

Người ta lo ngại rằng, nếu con sông được sử dụng làm thủy điện chảy qua nhiều vùng đất khác nhau thì mức độ ảnh hưởng sẽ gia tăng nghiêm trọng tại các vùng đất rộng lớn, thậm chí ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Vì thế, các nhà nghiên cứu phát triển thủy điện đã kêu gọi các chính phủ đổi hướng sang xây dựng các nhà máy thủy điện loại vừa và nhỏ, chỉ cung cấp điện cho một vùng hoặc khu vực nhỏ, vừa không gây hao tốn tài nguyên, nhân lực vừa bảo đảm gìn giữ môi trường sống tốt lành.

VIỆT ANH

 

Tin cùng chuyên mục