
Giá xăng, dầu leo cao hiện đang là nỗi lo của người dân hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều chuyên gia tiên đoán giá dầu năm nay có thể đến mức 150 USD/thùng và nguy cơ cuộc khủng hoảng dầu lửa thứ 3 trên thế giới đang treo lơ lửng trên đầu kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu về vận chuyển hàng không lại được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Chính vì vậy, các nhà sản xuất máy bay đã bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm những nguồn nhiên liệu khác thay thế loại nhiên liệu truyền thống.
Sức ép giá dầu
Lo ngại về nguồn cung dài hạn eo hẹp là nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới lên trong thời gian gần đây. Hôm 21-5, Mỹ thông báo dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 5,4 triệu thùng, trong khi Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Abdala El-Bard một ngày sau đó cũng tuyên bố OPEC không thể làm gì để giúp giảm giá dầu thô bởi tình trạng đầu cơ cùng đồng USD “yếu” mới là nguyên nhân chính đẩy giá dầu leo cao.
Thống kê cho thấy giá dầu thế giới từ năm 2002 đến nay đã tăng gấp 6 lần và nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại về cuộc khủng hoảng dầu lửa thứ ba có thể trở thành hiện thực. Đám mây u ám của cuộc khủng hoảng đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá của nhiều hãng tin trên thế giới, giá dầu cao có thể sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới.
Tín hiệu khả quan từ nguồn nhiên liệu mới

Nhà máy sản xuất nhiên liệu mới tại Nam Phi.
Trong bối cảnh xăng dầu ngày càng đắt đỏ và cạn kiệt dần thì nhu cầu vận chuyển hàng không lại được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới.
Trước sự tăng giá không ngừng của xăng dầu và sự lo lắng của các hãng vận tải hàng không quốc tế, các nhà sản xuất máy bay cũng đã vào cuộc để tìm kiếm những nguồn nhiên liệu khác nhằm thay thế loại nhiên liệu truyền thống đang ngày càng trở nên đắt đỏ này.
Tháng 2 vừa qua, hãng sản xuất máy bay Airbus đã tiên phong bằng việc cho bay thử một chiếc A380, trong đó 1 trong 4 động cơ được chạy bằng hỗn hợp nhiên liệu lỏng dẫn xuất từ khí đốt (GTL - gas to liquid) và dầu hỏa. GTL là quá trình biến đổi hóa học khí gas tự nhiên hoặc khí hydrocarbon thành nhiên liệu lỏng để sử dụng cho máy bay.
Chiếc máy bay này đã bay từ Filton (Anh) đến Toulouse (Pháp) mà không gặp bất cứ sự cố nào. Ba tuần sau đó, một ông lớn khác là Boeing cũng tiến hành chuyến bay thử nghiệm từ London (Anh) đến Amsterdam (Hà Lan) bằng chiếc Boeing 747 của Hãng hàng không Virgin Atlantic. Chiếc 747 này chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp giữa dầu cọ, dầu dừa và xăng. Thậm chí, Boeing còn cho bay thử loại máy bay trực thăng 2 chỗ ngồi chạy bằng pin nạp nhiên liệu khí.
Những nguồn nhiên liệu mới có thể xuất phát từ nguồn than đá, nhiên liệu sinh học và nhiên liệu khí hydro. Theo các nhà khoa học, giải pháp có thể triển khai nhanh nhất là hóa lỏng khí đốt hoặc than đá. Nhiên liệu khí đốt hóa lỏng và than hóa lỏng cho phép vận hành máy bay mà không phải tiến hành những thay đổi lớn về động cơ.
Bước đầu các nhiên liệu này sẽ được trộn lẫn với nhiên liệu truyền thống trước khi thay thế hoàn toàn bằng loại nhiên liệu này. Không quân Mỹ cũng dự định sử dụng loại nhiên liệu hỗn hợp đó cho tất cả máy bay của họ từ nay đến năm 2011.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu những nhiên liệu trên được hoàn thiện và đưa vào sử dụng rộng rãi, các hãng hàng không sẽ không phải lo đến vấn đề nhiên liệu và đi xa hơn nữa là các nước sẽ độc lập trong lĩnh vực năng lượng, không phải phụ thuộc vào bất kỳ một quốc gia nào khác. Khi đó, vấn đề về giá dầu có thể sẽ “hạ nhiệt”.
...còn những gian nan

Để duy trì các chuyến bay, các hãng phải tìm nguồn nhiên liệu mới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, nhược điểm lớn nhất của các loại nhiên liệu này là chúng không góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây có thể được coi là rào cản lớn nhất khiến các nhà sản xuất cũng như các nhà khoa học phải để tâm.
Thêm vào đó hiện trên thế giới có quá ít nhà máy sản xuất loại nhiên liệu này. Đến nay mới chỉ có một nhà máy của Nam Phi và một cơ sở khác của Hãng Shell hiện đang xây dựng ở Qatar. Chi phí xây dựng các nhà máy trên cũng là một trở ngại lớn.
Theo một chuyên viên cao cấp của Cơ quan nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ Pháp (ONERA), xây dựng một cơ sở có thể sản xuất loại nhiên liệu tổng hợp trên thì cần phải có số vốn lớn.
Một hướng khác có tính chất bảo vệ môi trường hơn liên quan đến nhiên liệu sinh học “thế hệ hai” như bã ép của các sản phẩm nông nghiệp, mùn gỗ, vi tảo, chất béo động vật. Theo các chuyên gia của ONERA, cần phải có một sự đầu tư thỏa đáng vào việc nghiên cứu các nguồn nhiên liệu này nếu muốn đưa vào sản xuất và sử dụng đại trà vào năm 2040.
Cuối cùng, việc sử dụng loại nhiên liệu khí hydro cần phải khắc phục một số khâu có tính công nghệ. Chính vì vậy, theo các nhà khoa học, giải pháp này còn rất xa vời. Trước mắt, mọi sự lựa chọn cho tương lai sẽ tập trung vào khí đốt hóa lỏng hoặc than hóa lỏng và nhiên liệu sinh học.
Đỗ Cao (Tổng hợp)