Sau vụ giao dịch viên Kweku Adoboli làm ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ UBS thua lỗ 2,3 tỷ USD, Giám đốc điều hành UBS Oswald Grubel đã tuyên bố từ chức. Vụ Adoboli cho thấy thêm bằng chứng về sự yếu kém của hệ thống giám sát và xử lý rủi ro của công nghiệp ngân hàng đầu tư, tập trung ở các trung tâm tài chính lâu đời của châu Âu và Mỹ.
Adoboli, 31 tuổi, giao dịch viên chứng khoán làm việc tại chi nhánh Ngân hàng UBS ở London (Anh), bị bắt tại nhà riêng ở London ngày 15-9 với cáo buộc lừa đảo và gian lận kế toán từ tháng 10-2008, dẫn đến thua lỗ 2,3 tỷ USD cho UBS.
Theo Cơ quan kiểm soát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA), đây là một trong nhưng vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ những năm gần đây. Vụ Adoboli gây tổn hại lớn cho uy tín của UBS, vốn mới phục hồi sau khi thua lỗ 50 tỷ USD trong thời khủng hoảng tài chính 2007-2008 do đầu tư chứng khoán và thêm việc bị Mỹ cáo buộc giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế, phải nộp phạt và bàn giao danh sách khách hàng cho nhà chức trách Mỹ.
Gruebel, 67 tuổi, người chịu áp lực nặng nề từ các cổ đông UBS sau vụ bê bối Adoboli, cho biết việc từ chức để nhận trách nhiệm của ông sẽ giúp ngân hàng khôi phục uy tín với khách hàng và nhà đầu tư. Tại cuộc họp ngày 23-9, hội đồng quản trị UBS vẫn đồng ý để Grubel làm CEO nhưng ngày 24-9 ông tuyên bố từ chức do bất đồng với hội đồng quản trị về các kế hoạch cải tổ chiến lược và quản trị ngân hàng – theo nguồn tin của Financial Times.
Tạm thời kế nhiệm Grubel là Sergio Ermotti, cựu phó giám đốc UniCredit của Italia. Cả Ermotti và Chủ tịch UBS Kaspar Villiger đều nhấn mạnh rằng, họ vẫn cam kết theo mô hình ngân hàng đa năng, sẽ tiếp tục chiến lược tổng thể nhưng đơn giản hóa hoạt động đầu tư để giảm rủi ro.
Xem lại an toàn hệ thống
Adoboli không phải nhân viên lừa đảo đầu tiên làm hại ngân hàng của mình. Năm 1995, Nick Leeson, 28 tuổi, qua các giao dịch lừa đảo trên thị trường Singapore đã làm thua lỗ 850 triệu bảng, dẫn đến sự sụp đổ ngân hàng Anh Barings Brothers. Năm 2008, Jerome Kerviel, 31 tuổi, làm “bay” mất 6,8 tỷ USD của ngân hàng Pháp Societe Generale...
Tuy nhiên, vụ của Adoboli đã làm bài học về sự điên rồ của ngân hàng càng rất có giá trị, khi xảy ra đúng 3 năm sau vụ Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ (15-9-2008), làm kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Adoboli có thể “có công” khi buộc các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại an toàn hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh các thị trường khắp thế giới đang chao đảo do hậu quả khủng hoảng nợ công ở Mỹ, khu vực đồng EUR.
Sau vụ Adoboli, các chính trị gia của 2 đảng lớn nhất Thụy Sĩ, đảng Dân chủ Xã hội và đảng Nhân dân Thụy Sĩ, càng gia tăng áp lực đòi nhà chức trách nước này chia tách các bộ phận ngân hàng bán lẻ và đầu tư.
Tại Anh, chỉ vài ngày trước khi vụ Adoboli được đưa ra ánh sáng, chính phủ đã chuẩn bị một cuộc chiến với các ngân hàng bằng các kế hoạch cải cách sâu rộng ngành ngân hàng, buộc tách biệt các hoạt động bán lẻ và đầu tư, nhằm ngăn chặn tái diễn vụ sụp đổ ngân hàng như năm 2008, dẫn đến việc giải cứu tốn kém.
Các ngân hàng ở Anh phản đối các kế hoạch trên với các lý do việc quản lý hoạt động ngân hàng sẽ tốn phí ước tính 7 tỷ bảng/năm (tương đương 11 tỷ USD), vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của London sẽ bị ảnh hưởng, việc cải cách nhanh chóng hệ thống ngân hàng sẽ gây nguy hiểm cho quá trình phục hồi kinh tế quá mong manh của Anh...
Không dễ cải cách
Khi vụ Adoboli được công bố, nhiều người đã ngờ vực vì một định chế tài chính hàng đầu Thụy Sĩ như UBS lại có thể để việc kiểm soát rủi ro lỏng lẻo đến mức, một giao dịch viên cấp thấp cũng có thể gây thua lỗ hàng tỷ USD. Nhưng thực tế, các hoạt động giao dịch rủi ro không phải hiếm mà còn phổ biến. Và trong bối cảnh khủng hoảng tài chính 3 năm qua, các ngân hàng phải lựa chọn: chấp nhận rủi ro trong nỗ lực duy trì mức lợi nhuận cao hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận.
Cần thừa nhận sự khủng hoảng của công nghiệp ngân hàng đầu tư toàn cầu hiện nay sâu sắc hơn so với những gì ngành công nghiệp này phải đối mặt sau sự sụp đổ của Lehman Brothers. Khủng hoảng đã làm các định chế tài chính lớn như UBS nỗ lực “trở lại bình thường”, với việc thắt chặt kiểm soát rủi ro và giảm đầu cơ vay nợ. Nhưng điều đã không hoàn toàn thay đổi chính là những kỳ vọng của các nhà quản trị tại các định chế này. Họ đã chấp nhận, hoặc bị bắt buộc giảm lương trong năm 2008 và 2009, nhưng ít người chịu giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống tiềm năng thực của nó hiện nay.
Tờ New York Times dẫn một nghiên cứu mới đây của Credit Suisse, dự báo lợi nhuận trong quý 3-2011 của công nghiệp ngân hàng đầu tư sẽ giảm mạnh, khoảng 7%, do doanh thu sụt giảm đáng kể. Với sự gia tăng giao dịch điện tử, các chi phí giao dịch đã giảm mạnh trong những năm qua, nhưng thời kỳ tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính trong năm 2009, khối lượng giao dịch rất cao đã bù đắp cho doanh thu mỗi giao dịch giảm. Trong khi hoạt động giảm nhanh, các kỳ vọng lại không thu hẹp.
Đầu năm nay, các ngân hàng ở Phố Wall vẫn phân phát các khoản tiền thưởng gần mức kỷ lục. Ngành công nghiệp ngân hàng đầu tư không còn sinh lợi như vào cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, nhưng nhiều người lại không chịu chấp nhận thực tế đó.
Tuy nhiên, không có định chế tài chính nào tự nguyện suy yếu dần. Việc chống lại xu hướng đó là điều tự nhiên, và là một hành động tuyệt vọng. Vụ bê bối giao dịch viên Adoboli làm mất 2,3 tỷ USD của UBS là một triệu chứng của điều đó. Đơn vị của Adoboli đã đề ra chiến lược biên lợi nhuận thấp, giao dịch rủi ro thấp, nhưng điều đó đã không làm hài lòng giao dịch viên trẻ tuổi, đầy tham vọng này, người chắc chắn đã mơ những thứ lớn hơn và thu nhập cao hơn.
| |
THIỆN NGUYỄN