Các nhóm kịch trẻ bôn ba, vất vả hành nghề

Các nhóm kịch trẻ bôn ba, vất vả hành nghề

Gần chục năm trước là thời điểm phong trào kịch cà phê nở rộ, hoạt động sôi nổi, góp phần làm đa dạng không khí tổ chức biểu diễn loại hình kịch nói tại TPHCM. Tuy nhiên, việc ra mắt và trình diễn của hơn 20 nhóm kịch trẻ thời điểm ấy chỉ mang tính xu hướng, nhất thời. Để trụ vững, các nhóm kịch hiện nay đã phải trải qua rất nhiều vất vả, để giữ nhịp hoạt động. Nhìn lại sự tan hợp của các nhóm kịch mới thấy sự nỗ lực của đội ngũ những diễn viên trẻ sống hết mình với đam mê, miệt mài tìm kiếm sàn diễn để được làm nghề...

“Sáng đèn” bằng nhiệt huyết

Hiện nay, loại hình kịch cà phê, nhóm kịch trẻ, còn chưa tới 10 nhóm hoạt động hiệu quả, tạo được sự yêu thích và quan tâm của khán giả. Trong số các nhóm kịch được chú ý có Buffalo, Chuồn Chuồn Giấy, Đời, Tía Lia, X-Pro, Ví Dầu, CMV... Vượt qua những khó khăn, trở ngại, các nhóm kịch đang cố gắng duy trì hoạt động bằng những buổi diễn tại các sân khấu cà phê, tham gia các gameshow truyền hình, hợp đồng diễn ở các sự kiện văn hóa, kinh tế... 

Nhóm kịch Buffalo với vở Tấm Cám

Phần lớn thành viên các nhóm kịch có xuất thân từ Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM, Trường ĐH Văn hóa và một số bạn trẻ tay ngang, vì đam mê mà lao vào nghề. Trong đó, rất nhiều bạn trẻ lập nhóm khi đang còn đi học, sau khi tốt nghiệp và kiếm được sân khấu để diễn ổn định, các bạn rút khỏi sân chơi, khiến không ít nhóm kịch tan rã. Sự tan hợp của các nhóm kịch cứ thế lần lượt diễn ra, khiến số lượng nhóm kịch giảm dần theo thời gian. 

Với những nhóm kịch còn trụ vững, bằng tinh thần tuổi trẻ, sự nhiệt huyết và năng động, các diễn viên chuyên và không chuyên đã cùng nỗ lực gắn bó, hoạt động tự thu tự chi, phân chia công việc phù hợp với khả năng từng người: phụ trách sáng tác, dàn dựng, thiết kế phục trang, âm thanh, ánh sáng... để duy trì tổ chức biểu diễn và phát triển nhóm. Từ đó, các sàn diễn kịch cà phê sáng đèn liên tục vào các tối cuối tuần, đa dạng thể loại kịch: bi, hài, tâm lý xã hội, kinh dị... Với tác phẩm sân khấu, bên cạnh những sáng tác mới, không ít nhóm chọn dàn dựng lại một số vở cũ, dựng lại theo phong cách tươi trẻ, hiện đại, cập nhật tính thời sự xã hội, gần gũi với đời sống thực tế. Cùng với không gian nhỏ, ấm cúng của kịch cà phê (giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng/người, có thức uống), các nhóm kịch trẻ đã từng bước chinh phục khán giả và xây dựng được một lượng khán giả riêng cho mình.

Ngoài hoạt động diễn xuất định kỳ vào các tối cuối tuần, các nhóm kịch cũng rất năng động trong việc tự tổ chức thực hiện các clip hài kịch để quảng bá cho nhóm trên các kênh mạng cộng đồng. Vừa giúp nhóm hoạt động sôi nổi, phong phú, tìm kiếm khán giả, cách làm này cũng giúp các nhóm tìm kiếm thêm các hợp đồng biểu diễn với các công ty, doanh nghiệp... có thêm nguồn thu, nuôi dưỡng ánh đèn sàn diễn.

Nghiêm túc với nghề

Đoan Trang, Giám đốc Công ty TNHH Chuồn Chuồn Giấy chia sẻ: “Nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy thành lập và đi vào hoạt động đã hơn 4 năm, chuyên trình diễn kịch phong cách cổ trang. Trong đó, có hơn 2 năm nhóm phải chạy đôn chạy đáo biểu diễn ở khắp các các sân khấu kịch cà phê trên địa bàn TPHCM, vô cùng vất vả, doanh thu lại không cao... Nhưng tất cả đều làm vì niềm đam mê chung, cố gắng duy trì hoạt động, từng bước tích lũy kinh nghiệm, nâng chất kịch bản, tay nghề...”. Hiện nay, Chuồn Chuồn Giấy là một trong số ít nhóm kịch có sự đầu tư rất công phu về phục trang. Nhóm thường tự mày mò nghiên cứu, tìm hiểu trang phục các nước rồi lên ý tưởng thiết kế, may đo. Một số thành viên của nhóm từng học khoa may thời trang Trường ĐH Công nghiệp, đã giúp nhóm phát huy khá tốt các ý tưởng thiết kế trang phục sao cho phù hợp vở diễn, nhằm tạo nên nét đẹp độc đáo và rất riêng của nhóm.

Nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy với vở Thanh xà - Bạch xà

Với Buffalo, sau khi tạo được sự chú ý của công chúng về phong cách trình diễn nhạc kịch, đã ra mắt hàng loạt vở nhạc kịch trẻ trung, tươi vui, hấp dẫn: High School Musical, Vũ nữ, Tuyết đỏ, Tuyết Sài Gòn, Tình ca phố, Tấm Cám... Nhóm gặp nhiều khó khăn về địa điểm biểu diễn, phải di chuyển từ điểm diễn Sân khấu kịch 5B đến rạp Công Nhân, tạm ngưng hoạt động một thời gian. Hiện nay, Buffalo vui mừng đón nhận sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa quận 1 - Nhà hát Bến Thành. Sự hợp tác hai bên cùng có lợi này sẽ giúp nhà hát luôn có hoạt động văn hóa nghệ thuật trình diễn định kỳ, nhóm Buffalo bớt lo về điểm diễn, dành nhiều tâm huyết, công sức để chăm chút, đầu tư cho nghệ thuật. Đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy tâm tư: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm giúp đỡ cùng hợp tác của Nhà hát Bến Thành - một trong những sân khấu còn tốt của thành phố hiện nay. Tuy nhiên, do số lượng ghế quá lớn (hơn 1.000 ghế), nên chúng tôi sẽ tổ chức khép bớt không gian sân khấu để tạo sự ấm cúng cho hoạt động biểu diễn và giao lưu với khán giả. Bên cạnh việc diễn lại các vở đã dàn dựng, Buffalo sẽ dựng thêm vở Tấm Cám phiên bản thiếu nhi, cùng các vở Sơn Tinh - Thủy Tinh, Lạc Long Quân - Âu Cơ, Nỏ thần... dành cho các bé. Chúng tôi thực hiện ý tưởng này vì mong muốn thành phố có thêm một sân khấu dành cho trẻ thơ”.

Cần lắm sự tiếp sức...

Sau thời gian hoạt động đầy chông gai và thử thách, một số phụ huynh của các thành viên nhóm kịch Chuồn Chuồn Giấy cảm nhận được sự quyết tâm theo đuổi nghệ thuật và làm nghề nghiêm túc của con mình nên đã đồng tình, ủng hộ bằng cách hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để nhóm có thể thuê được một mặt bằng ổn định, đáp ứng các hoạt động tổ chức, biểu diễn của nhóm tại Hội quán Chuồn Chuồn Giấy - số 40 Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, giúp nhóm có nơi để tập luyện, biểu diễn, thiết kế và may trang phục, làm đạo cụ...

Về được Nhà hát Bến Thành, nhóm kịch Buffalo đã ổn định về địa điểm biểu diễn. Các nhóm kịch Đời, Tía Lia, Ví Dầu... cũng duy trì được các suất diễn cuối tuần tại các sân khấu kịch cà phê. Tuy nhiên, không phải nhóm kịch nào cũng may mắn nhận được những sự hỗ trợ quý báu từ người thân hay các đối tác…

Hơn thế nữa, vấn đề nội dung vở diễn, chất lượng nghệ thuật, chất lượng diễn viên, hoạt động duy trì tổ chức biểu diễn của loại hình nhóm kịch hiện nay phần lớn vẫn là tự phát. Các nhóm còn thiếu sự hỗ trợ, định hướng, để phát huy tài năng, tinh thần và nhiệt huyết với nghệ thuật. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của lực lượng diễn viên trẻ đã góp phần làm sinh động, tươi mới, đa dạng, phong phú hoạt động tổ chức biểu diễn kịch nói tại TPHCM. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, thì lớp diễn viên trẻ hôm nay - thế hệ diễn viên tiếp nối của loại hình sân khấu kịch nói sẽ khó phát triển như kỳ vọng mà rất nhiều thế hệ nghệ sĩ đi trước mong mỏi.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục