Các nước đua nhau hạ giá đồng tiền

Trong khi bất đồng giữa Trung Quốc với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) xung quanh vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ vẫn chưa được giải tỏa, thế giới lại đang chứng kiến hiện tượng nhiều nước bắt đầu chủ động hạ giá đồng nội tệ của mình xuống thấp, sử dụng tỷ giá hối đoái như một thứ vũ khí trong thời buổi khó khăn kinh tế.

Mới nhất, trường hợp của Nhật Bản và Brazil. Brazil hồi tuần trước thực hiện giảm tỷ giá đồng nội tệ và tăng gấp đôi mức thuế đối với thu nhập và cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài (từ 2% lên 4%), đồng thời tuyên bố sẽ làm bất cứ việc gì cần thiết để ngăn đồng tiền tăng giá. Trong một động thái gây bất ngờ, ngày 5-10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng hạ lãi suất đồng yên về khoảng 0%-0,1%. Sự thay đổi này đánh dấu sự trở lại với thời kỳ lãi suất 0% và lần đầu tiên trong 4 năm BoJ can thiệp vào thị trường ngoại hối để giảm giá đồng yên khi đồng nội tệ này đang ở đỉnh cao nhất trong 15 năm qua.

Với những gì đang diễn ra, các chuyên gia kinh tế nhận định rõ ràng nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu áp dụng cách làm mà Mỹ cho là Trung Quốc đã thực hiện. Các nước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối, hoặc chí ít để ngăn chặn đồng tiền nước mình tăng giá thêm. Vì khi tiền tăng giá đồng nghĩa với hàng xuất khẩu đắt đỏ hơn và nguy cơ suy giảm số lượng việc làm. Việc các nước đua nhau hạ giá đồng tiền chủ yếu xuất phát từ hậu quả của khủng hoảng khiến các nước phải chịu thiếu hụt sức cầu trong thời gian dài. Trong quý 2 vừa qua, chưa nền kinh tế nào trong số 6 cường quốc Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh và Ý phục hồi được GDP trở về mức quý 1-2008.

Các nền kinh tế trên đang hoạt động dưới mức GDP tiềm năng 10%. Những nước này đều trông chờ vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Chỉ tính ở khu vực EU, thực tế cho thấy đồng EUR mạnh lên như hiện nay (1 EUR = 1,4 USD), năng lực cạnh tranh hàng xuất khẩu của các nước Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Bồ Đào Nha lại càng yếu đi.

Trong khi nền kinh tế thế giới đang ở giữa thời thiếu hụt sức cầu, các quốc gia sở hữu đồng tiền dự trữ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng. Nước nào không có đồng tiền dự trữ thì sử dụng “chiêu” can thiệp tỷ giá. Nói cách khác, đó là thao túng tỷ giá đồng tiền vì muốn kéo lợi ích về phía mình, bất chấp điều đó gây hại cho nước khác. Đây không phải lần đầu những cuộc xung đột về tỷ giá diễn ra. Tháng 9-1985, các nước Pháp, Tây Đức, Nhật Bản, Mỹ và Anh đã đồng lòng phá giá đồng USD. Thực tế hiện nay cũng tương tự như những gì diễn ra vào thập niên 30, khi châu Âu gặp khó khăn về tài chính đã giảm mạnh nhập khẩu từ bên ngoài và tìm cách giành giật lấy một phần lớn hơn trong nhu cầu đang co hẹp thị trường toàn cầu.

Hiện tượng các nước đua nhau hạ giá đồng tiền không những đi ngược những quy tắc thị trường tự do mà còn làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng một cuộc chiến tiền tệ, nếu xảy ra, sẽ không mang lại lợi ích cho bên nào, trong bối cảnh thế giới vừa bước ra khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Không những thế, cuộc chiến này sẽ làm gia tăng thêm các biện pháp bảo hộ mậu dịch như đã xảy ra trong thập niên 20 và 30. 

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục