Cái chữ lên với đồng bào A Rem

Vay tiền làm bán trú
Cái chữ lên với đồng bào A Rem

Xa trên rặng Kẻ Bàng, giữa chót vót những ngọn núi trong rừng mưa nhiệt đới Bố Trạch, Quảng Bình là cộng đồng A Rem quần tụ tại xã Tân Trạch. Cộng đồng A Rem vừa mới rời hang đá được hơn 50 năm. Người A Rem đang tập lao động, tập sinh sống văn minh, tập thoát cảnh tối tăm núi rừng bằng cách cho con cái tới trường. Để giúp đồng bào A Rem, những giáo viên từ miền xuôi đưa cả con cái lên miền núi xa thẳm để cắm bản, truyền chữ...

Học sinh lớp 9 A Rem trong ngày đến trường

Đưa con đi cắm bản

Qua lời kể của các thầy cô giáo trẻ, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn trong dạy học ở xã miền núi Tân Trạch, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là những lời than thở. Ẩn chứa trong lời kể là sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc với cuộc sống của bà con dân tộc A Rem, để rồi yêu thương hơn các em học sinh dân tộc, để thấy mình có trách nhiệm hơn với công việc…

Giờ nghỉ trưa ở khu nhà nội trú, cô giáo Lê Thị Huệ, Nguyễn Thị Quỳnh Lan với hai đứa con nhỏ và bà ngoại cùng ở chung trong một căn phòng chưa đầy 15m2. Hai cái giường nhỏ và hai chiếc võng chiếm gần hết diện tích, chỉ chừa lại lối đi nhỏ. Mọi đồ đạc dành cho trẻ nhỏ cũng giản tiện hết mức. “Thế này là ưu tiên cho mấy cô có con nhỏ rồi đó! Chứ có phòng ở đến 7 người luôn, vì cả dãy nhà nội trú chỉ 5 phòng mà có tới 25 giáo viên, nhân viên. Cũng may là còn có nhà xây kiên cố…”, thầy giáo Lê Văn Trương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tân Trạch cho biết.

Những đứa trẻ còn nhỏ dại theo mẹ đi làm ở A Rem với đường đi cả trăm cây số, cuộc sống biết bao thiếu thốn. Mọi nhu cầu thiết yếu cho con từ đồ dùng, sữa, thức ăn và ngay cả nước, các cô đều phải nhờ người nhà chở lên hàng tuần. Cô giáo Lê Thị Huệ chia sẻ: “Ở khu nội trú này, bọn em phải hứng nước mưa dùng, có hôm nước đầy cặn bẩn, người lớn thì sao cũng được, nhưng các con còn bé quá, sức đề kháng yếu, sợ không đảm bảo vệ sinh nên chúng em phải lọc cẩn thận theo chỉ dẫn của người dân bản.

Giáo viên ở A Rem cõng con lên bản dạy chữ, sau buổi lên lớp cùng về khu tập thể giữa bản

Hôm chúng tôi từ A Rem trở về xuôi, có 2 cô giáo trẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tân Trạch làm bạn đồng hành là cô giáo Lê Thị Phương, Lê Thị Thùy Vân đã bám bản hơn 3 năm học. Giọng nhỏ nhẹ, cô Vân kể: “Lần đầu tiên lên nhận nhiệm vụ, em sợ không dám đi một mình. Khi đó đường chưa làm, khó đi đã đành, lại còn heo hút, không một bóng người. Ba chở em lên tận trường, tận mắt thấy chỗ ăn ở của con gái mới yên tâm về xuôi”. Con đường 20 Quyết Thắng giữa rừng núi âm u, dù phần lớn đã được trải nhựa và dễ đi hơn trước đây nhưng vẫn hoang vắng, thi thoảng mới thấy một chiếc xe tải ì ạch chạy qua và vài lều trại của công nhân làm đường nằm buồn thiu trong sương mù. Vân tiếp lời: “Sau này, mỗi lần đi về, bọn em thường phải rủ nhau đi cả đoàn cho đường bớt xa, bớt buồn… Mà mỗi lần về nhà lên là lỉnh kỉnh bao nhiêu thức ăn, đồ dùng thiết yếu. Đầu tuần ăn đồ tươi, cuối tuần thường ăn cá khô, lạc rang, sang hơn thì có trứng. Có đợt bọn em thiếu gạo do mưa lũ không về được, may mà bà con A Rem san sẻ”. Cô giáo Lê Thị Phương nói: “Ở đây không lấy đâu ra điện thắp sáng. Thầy cô giáo phải tranh thủ soạn bài, chấm bài vào buổi trưa. Tối đến, điện không có, ti vi, đài đóm cũng không, nằm trong phòng vừa nói chuyện vừa nghe tiếng vượn kêu, nhớ nhà da diết”.

Vay tiền làm bán trú

Nếu như chuyện dạy học ở miền xuôi là thành tích, là mũi nhọn thì ở miền núi như Tân Trạch, nhà trường còn đau đầu với bài toán duy trì sĩ số. Các thầy cô giáo phải “đi tận nhà, gõ tận cửa”, “vừa dạy vừa dỗ” để động viên học sinh đến lớp.

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Trương trăn trở: “Đời sống bà con dân tộc A Rem còn nghèo, sách vở, quần áo của các em học sinh cũng rất thiếu thốn, nên việc tổ chức bán trú cho các em rất khó khăn. Nhưng không thể chậm trễ hơn khi mà bà con dân bản kỳ vọng nhiều. Trường quyết định sử dụng 3 lớp học cũ sửa thành 1 phòng ăn và 2 phòng nghỉ trưa cho các em. Trước mắt, khi chưa xin được kinh phí, nhà trường chủ động vay tạm tiền của anh chị em cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường để mua các đồ dùng thiết yếu như sạp giường, chăn màn, dụng cụ cá nhân. Trường cũng mua chịu vật liệu, nợ tiền công thợ làm nhà bếp tạm…

Để “giấc mơ” bán trú của thầy cô, học sinh và bà con A Rem thành hiện thực thật không đơn giản, khi mà ngay cả cuộc sống của tập thể giáo viên nội trú còn không ít khó khăn. Chỉ bằng tình yêu thương, sự đồng cảm với học sinh, các thầy cô giáo đã nỗ lực hết mình để rút ngắn khoảng cách giữa học sinh miền núi với miền xuôi. Như lời cô giáo Lê Thị Thùy Vân: “Dẫu khó khăn nhưng bọn em còn có lương, chứ cuộc sống của bà con dân tộc vất vả lắm! Thương học sinh A Rem còn nhiều thiệt thòi…”. Hy vọng việc học bán trú ở Tân Trạch rồi đây sẽ được nhà nước quan tâm nhiều hơn, nhưng trước mắt chỉ cần bà con A Rem “vui cái bụng”, thì “con đường” đến trường của học sinh A Rem cũng sẽ gần hơn.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục