Cái giá phải trả của sự lưỡng lự

Từ tháng 2, trước nguy cơ khủng hoảng nợ xấu tại Hy Lạp, Chính phủ Mỹ và Quỹ Tiền tệ IMF đã lên tiếng cảnh báo các nhà lãnh đạo thuộc Eurozone, nếu không giải quyết triệt để vấn đề của Hy Lạp có thể gây “hiệu ứng dây chuyền” tại các nước châu Âu, và sẽ là một mối đe dọa lớn cho nền kinh tế thế giới. 

Ban đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã “bỏ rơi” Hy Lạp, để nước này tự giải quyết vấn đề của mình vì lo ngại một động thái như vậy có thể tạo tiền lệ cho các nước có nợ công cao ở châu Âu đòi được vay vốn theo. Việc chậm chạp của EU đã đẩy giá trái phiếu nước này rơi tự do dẫn đến nợ công từ trái phiếu tăng gấp 3 lần. Cho đến khi nợ Hy Lạp đe dọa địa vị của đồng euro và kéo theo sự đổ vỡ dây chuyền tại các quốc gia đang có mức nợ khổng lồ khác đã buộc EU phải hành động.

Kết quả là những cam kết cụ thể là gói vốn vay trị giá 140 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với khoản vay ước tính ban đầu là 40 tỷ USD, đã được đưa ra vào tháng 5 sau một thời gian dài bị trì hoãn vì bất đồng giữa các thành viên của liên minh này.

Để tránh bước theo vết xe đổ của Hy Lạp, một số nước EU như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hungary, Pháp và mới nhất là Romania, đã công bố các biện pháp thắt lưng buộc bụng chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua. Thậm chí cả Đức, “đầu tàu kinh tế của châu Âu, cũng đã quyết định thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách khoảng 90 tỷ USD, nhằm mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP trong 3 năm tới, thể theo luật chống thâm hụt của EU.

Tuy nhiên, làn sóng thắt chặt chi tiêu này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức công đoàn tại khắp các nước EU. Các cuộc biểu tình, bãi công lớn liên tục nổ ra tại các quốc gia này.

Cuộc khủng hoảng cũng cho thấy rõ sự bất lực của khu vực đồng euro trong việc kiềm chế các chính phủ, không để cho họ lao vào nợ nần và thâm hụt ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Pháp Chrsitine Lagarde đã phải thừa nhận: “Chính sự lưỡng lự của các lãnh đạo EU đã khiến khối này rơi vào tình trạng hoảng loạn như hiện nay. Nếu EU bắt tay sớm vào việc giải quyết vấn đề đầu tiên, sẽ sớm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ xấu lan rộng như hiện nay”.

Sự lưỡng lự của châu Âu còn cho thấy EU chưa thật sự là một khối thống nhất và điều đó cũng khó mà thành hiện thực. Bởi các quốc gia đều có lịch sử khác nhau, văn hóa khác nhau và cả lợi ích dân tộc của riêng mình. Sự thống nhất chỉ là tương đối nên khi mỗi quyết sách tác động đến lợi ích riêng của từng quốc gia thì khó có thể đạt đồng thuận trong khối.

Người dân Đức, Pháp… xuống đường phản đối việc cứu trợ Hy Lạp là một bằng chứng cho thấy sự chia rẽ trong khối thống nhất đã bắt đầu xuất hiện.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục