Cái khó của EU trong vấn đề di cư

Sau nhiều khó khăn, cuối cùng Liên minh châu Âu (EU) cũng đạt được Hiệp định về di cư và tị nạn mới, với sự ủng hộ của 22/27 nước thành viên. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức vẫn đang chờ đợi EU ở phía trước.
Nhân viên cứu hộ bồng một em bé di cư đến Dungeness, Anh, vào tháng 8-2023
Nhân viên cứu hộ bồng một em bé di cư đến Dungeness, Anh, vào tháng 8-2023

Vấn đề nan giải

Hiệp định mới do Tây Ban Nha, hiện là nước giữ vai trò Chủ tịch EU, đề xuất, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng đối với các quốc gia ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp bằng cách chuyển một số người tị nạn sang các quốc gia EU khác.

EU cũng cho phép các nước từ chối người tị nạn,người di cư nếu không muốn, thay vào đó sẽ hỗ trợ nhân sự, tài chính và trang thiết bị cho những nước tiếp nhận. Khối này cũng sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt đơn xin tị nạn để người di cư không đáp ứng tiêu chuẩn phải hồi hương hoặc quay lại điểm trung chuyển…

Di cư luôn là vấn đề nan giải của EU, khi hàng triệu người từ nhiều quốc gia (chủ yếu tại Trung Đông, châu Phi và châu Á) phải rời bỏ quê hương vì nhiều lý do. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu, từ đầu năm đến nay, hơn 250.000 người nhập cư bất hợp pháp đến EU.

Còn theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Italy, trong 9 tháng năm nay, đã có 127.207 người nhập cư bất hợp pháp đến nước này, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (66.237 người) và gấp 3 lần so với năm 2021 (42.750 người). Làn sóng nhập cư bất hợp pháp đã gây ra những hệ lụy lớn và là thách thức của toàn khối.

Không cùng nhìn về một hướng

Tuy hiệp định mới được đánh giá hoàn hảo về mặt lý thuyết, song thực tế, các nước EU khó tìm được tiếng nói chung về chia sẻ gánh nặng (cơ chế đoàn kết) hay việc mở hành lang cho người nhập cư hợp pháp. Đó là lý do Ba Lan, Hungary vẫn phản đối và bỏ phiếu chống, trong khi Czech, Slovakia, Áo bỏ phiếu trắng đối với hiệp định.

Vấn đề di cư luôn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn 10 năm qua, nhưng không thể được áp dụng do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia.

Nổi bật là việc tái định cư người di cư. Trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ từng tiếp nhận hàng triệu người di cư và nỗ lực giúp họ hòa nhập vào cơ cấu xã hội nước sở tại. Nếu xét đến tình trạng dân số già đi và suy giảm ở châu Âu, việc mở cửa cho nhập cư hợp pháp để tiếp nhận một lượng lớn người trong độ tuổi lao động là cần thiết. Tuy nhiên, hiện EU chưa thể kiểm soát được dòng người di cư bất hợp pháp mỗi ngày - cũng là thách thức mà một hiệp định về di cư và tị nạn mới khó có thể giúp giải quyết dứt điểm ngay lập tức.

Tin cùng chuyên mục