Trong vài năm trở lại đây, tình hình sân khấu cải lương cả nước nói chung và nói riêng ở TPHCM có dịp “sáng đèn” trở lại nhiều hơn tại nhà hát và các sân khấu lớn với những chương trình nghệ thuật được dàn dựng, đầu tư chu đáo. Xuất hiện nhiều liveshow… Đó là tín hiệu đáng mừng đối với bộ môn cải lương nói chung và vùng đất phương Nam nói riêng được mệnh danh là “cái nôi” của cải lương…
Nghệ thuật cải lương vẫn tồn tại, đến ngày hôm nay và có lúc khởi sắc thì ngoài những đóng góp của rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết cả một đời cống hiến, hy sinh vì bộ môn nghệ thuật này phải kể đến công sức không nhỏ của ngành văn hóa và Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Nhiều cuộc thi cải lương được tổ chức định kỳ của HTV như: Chương trình Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ… đã thu hút rất nhiều khán giả yêu thích cải lương quan tâm, ủng hộ.
Điều đặc biệt hơn là trong số những khán giả đến với sân chơi nghệ thuật truyền thống này còn có rất nhiều khán giả trẻ đam mê, yêu thích cải lương. Các sân chơi này có thể kể đến như: Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm, Hồng Thắm, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Thanh Nhường, Phùng Ngọc Bảy, Thành Phê…
Chương trình Vầng trăng cổ nhạc do HTV tổ chức định kỳ hàng tháng tại Công viên Văn hóa Đầm Sen đến nay đã qua 135 chương trình, mỗi lần tổ chức vẫn thu hút hàng ngàn khán giả quan tâm, yêu thích cải lương đến thưởng thức. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi, cả đời cống hiến cho bộ môn nghệ thuật cải lương nước nhà như Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Minh Vương… cũng đã tổ chức nhiều liveshow riêng tại các sân khấu lớn để kỷ niệm chặng đường ca hát cải lương mấy mươi năm trong nghề của mình và được báo giới, đông đảo khán giả mộ điệu quan tâm. Điều đó đã cho thấy sức hút của cải lương vẫn mạnh nếu được tổ chức, đầu tư một cách chu đáo, nghiêm túc và có trách nhiệm.
Còn nhớ, năm 2007 sự thể nghiệm mới trong cải lương Kim Vân Kiều của đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ mang màu sắc hiện đại kết hợp với yếu tố của tuồng cổ của cải lương gây ngạc nhiên và thú vị cho rất nhiều khán giả mộ điệu, được biểu diễn ở sân vận động Quân khu 7 có sức chứa lên đến hàng chục ngàn người.
Sự thể nghiệm mang màu sắc hiện đại của cải lương đã tạo được tiếng vang trước đó là vở tuồng Chiếc áo thiên nga (tác giả Lê Duy Hạnh), đạo diễn Hoa Hạ một lần nữa đã minh chứng cho sự nhạy bén thời cuộc pha lẫn chút táo bạo của mình đối với bộ môn nghệ thuật cải lương.
Năm 2010 khán giả mộ điệu cải lương cũng hết sức thú vị, bất ngờ khi ca sĩ Minh Thuận đã bỏ tiền tỷ ra làm vở cải lương đã lấy đi nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ: Chuyện tình Lan và Điệp. Dưới bàn tay đạo diễn Hoa Hạ vở diễn đã thành công vang dội. điều thú vị đối với khán giả, nhất là khán giả trẻ khi xem vở cải lương này là dàn nghệ sĩ với những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng như: Phương Thanh, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Thuận, Hồng Ngọc, Thanh Thảo…
Sân khấu cải lương của hôm nay không còn được nhiều khán giả quan tâm và càng không thể so sánh với sân khấu cải lương cách đây hơn 20 năm. Bởi lẽ, trong đời sống văn hóa nghệ thuật hôm nay đã có nhiều lựa chọn, đa dạng và phong phú hơn. Chịu ảnh hưởng của văn hóa hiện đại trên thế giới nên khán giả, nhất là khán giả trẻ có nhiều chọn lựa cũng như nhiều cơ hội hơn để thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong đời sống.
Điều quan trọng để “vực dậy” cải lương cũng như để cải lương vẫn sống được trong đời sống văn hóa nghệ thuật hôm nay, việc đầu tư nghiêm túc cho một vở diễn là điều không thể thiếu, từ nội dung đến hình thức.
Việc “thể nghiệm” cải lương vừa mang yếu tố “cổ” truyền thống vừa có yếu tố “hiện đại” kết hợp với tân nhạc được “thể nghiệm” trên các sân khấu lớn, kể cả biểu diễn ở sân vận động như đã từng làm là điều cần mạnh dạn thực hiện để cải lương mang nhiều màu sắc và có sức hút hơn với công chúng.
NGUYỄN ĐƯỚC