Chật vật trong nguồn kinh phí hạn hẹp và người biên soạn ngày càng rơi rụng dần, bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn đang đóng góp vào sự giữ gìn văn hóa truyền thống và giới thiệu những vở cải lương lịch sử đến nhiều thế hệ khán giả.
Trong luận văn thạc sĩ Kịch bản cải lương Nam Bộ trước năm 1945 của Đào Lê Na đã thống kê trong 137 kịch bản cải lương trước 1945 tìm thấy chiếm tỷ lệ nhiều nhất là những vở cải lương phóng tác từ lịch sử Trung Quốc. Số lượng kịch bản dựa vào lịch sử Việt Nam chỉ chiếm 4,35%, một con số quá nhỏ bé.
Đỉnh cao của cải lương từ sau năm 1975 đã mang đến những vở diễn bất hủ lấy nguồn chất liệu từ lịch sử VN như: Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Bức ngôn đồ Đại Việt… Đến thập niên 1980, những vở cải lương ca ngợi các anh hùng dân tộc đã tô đậm chất lịch sử và nâng cao tinh thần yêu nước lên nhiều cung bậc rực rỡ hơn.
Trong sự xâm lấn không gian nghệ thuật qua những cách tiếp cận mới, phim ảnh các nước khác dần chiếm lĩnh sự quan tâm của khán giả, cải lương cũng thu hẹp dần đất diễn ngay trên chính cái nôi sản sinh ra nó. Để vực dậy cải lương, rất nhiều đề án đã phát huy tính tích cực, cố gắng đổi mới với kịch bản lấy đề tài đương đại nhưng đa phần không có sức sống bền lâu.
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 diễn ra tại Bạc Liêu (từ ngày 6-11 đến ngày 23-11) với sự góp mặt của 27 đơn vị nhà nước và tư nhân mang đến 33 vở diễn. Cuộc thi diễn ra 3 năm một lần. Cứ nhìn vào cuộc thi có thể đánh giá thị phần vùng miền nào đang lớn mạnh, thể loại kịch bản nào đang ăn khách và nghệ sĩ nào đang được yêu thích.
Không có gì bất ngờ khi đề tài chiến tranh giữ nước, lịch sử, anh hùng dân tộc tiếp tục trở thành chủ đề được quan tâm, đánh giá cao tại cuộc thi năm nay. Dù chiến tranh đã đi 40 năm nhưng đề tài lịch sử này vẫn mang đến nhiều góc nhìn mới. Ngồi xem lại vở Bóng biển (CLB Dạ cổ hoài lang), soạn giả Trọng Nguyễn không cầm được nước mắt trước kịch bản của chính mình đã viết cách đây 30 năm và từng đoạt giải Bạc. Soạn giả so sánh: “Theo cảm nhận của cá nhân tôi thì các diễn viên trẻ của Câu lạc bộ Dạ cổ hoài lang diễn cảm xúc hơn cả những đàn anh chị đã từng diễn vở này. Các nghệ sĩ trước diễn “chặt” hơn, nhưng không gây xúc động bằng, tôi đã khóc rất nhiều…”
Vở kịch nói Vua Thánh triều Lê (Tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh) từng thành công nhiều năm liền trên sân khấu kịch IDECAF, nay tiếp tục thành công khi được Nhà hát Cải lương VN chuyển thể thành vở cải lương cùng tên do NSƯT Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn. Khi vừa ra mắt, vở cải lương này từng tạo nên nhiều “kỷ lục” khi công diễn.
Bỏ qua những lời chê trách khi mang đến hội diễn 2 vở có kịch bản quá cũ, Bóng biển và Vua Thánh triều Lê rõ ràng đã chứng minh đề tài lịch sử luôn dễ chinh phục khán giả và có sức sống lâu hơn các kịch bản chạy theo chủ đề ngoại tình, nợ máu ân oán cá nhân và gia tộc.
Ngoài vở diễn Vua thánh triều Lê dàn dựng lại, nhà hát mang đến vở diễn Mai Hắc Đế ca ngợi anh hùng dân tộc (kịch bản: PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ; đạo diễn: Triệu Trung Kiên). Đây có thể là một trong những tác phẩm vừa có giá trị về lịch sử vừa đậm chất nghệ thuật trình diễn. Vì riêng việc tìm hiểu nhân vật Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế) từ nhỏ cho đến khi trở thành anh hùng đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường luôn gặp nhiều khó khăn do tư liệu ít. Thế nhưng, thế mạnh của vở diễn ngoài tình tiết hấp dẫn còn có được nhờ những đại cảnh sử dụng hiệu ứng âm thanh ánh sáng hiện đại đã tái hiện sự hào hùng và tinh thần yêu nước quật cường.
Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang mang đến cuộc thi vở Huyền sử Rạch Gầm. Vở ca ngợi lòng yêu nước, mưu trí và dũng cảm của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và người dân Mỹ Tho (Tiền Giang) đã làm nên chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút vào năm 1785. Với phần thiết kế cảnh trí miền sông nước hoành tráng phối hợp cùng dàn múa, ánh sáng và âm thanh hỗ trợ, cộng với sự nỗ lực của dàn diễn viên cải lương, vở diễn mang đến một hình tượng anh hùng tài trí song toàn lôi cuốn người xem.
Đối với nhiều bộ môn nghệ thuật như phim ảnh, kịch nói và cả ca nhạc, đề tài lịch sử đang trở thành lựa chọn thứ yếu. Ngược lại, qua Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 lại một lần nữa chứng minh sự gắn kết các đề tài lịch sử là một phần dễ dàng tất thắng. Vậy thì, tại sao chúng ta chưa mạnh dạn hơn nữa, giao cho các đoàn nghệ thuật, các nhà hát cải lương nhiệm vụ trọng tâm phải giáo dục các thế hệ tinh thần yêu nước và tìm hiểu lịch sử nước nhà qua các vở cải lương lịch sử?
Quỳnh Ngọc