Cái sướng nơi “miền rét sương”

“Chiều biên giới em ơi/có nơi nào xanh hơn/như chồi non cỏ biếc/như rừng cây của lá/như tình yêu đôi ta…”. Một ngày cuối năm, giai điệu bài hát “Chiều biên giới” theo tôi vượt qua những cung đường khúc khuỷu để lên miền biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Vào mùa này, sương phủ mù trời, ban ngày không rõ mặt người, rét cắt da cắt thịt. Nhưng ở nơi “miền rét sương” này cuộc sống đang dần bừng lên như những vườn đào cổ thụ đang trổ hoa, như “chồi non cỏ biếc” đón xuân về...
Cái sướng nơi “miền rét sương”

“Chiều biên giới em ơi/có nơi nào xanh hơn/như chồi non cỏ biếc/như rừng cây của lá/như tình yêu đôi ta…”. Một ngày cuối năm, giai điệu bài hát “Chiều biên giới” theo tôi vượt qua những cung đường khúc khuỷu để lên miền biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Vào mùa này, sương phủ mù trời, ban ngày không rõ mặt người, rét cắt da cắt thịt. Nhưng ở nơi “miền rét sương” này cuộc sống đang dần bừng lên như những vườn đào cổ thụ đang trổ hoa, như “chồi non cỏ biếc” đón xuân về...

Cái sướng nơi “miền rét sương” ảnh 1

Xã Na Ngoi mờ khói sương mù

Puxailaileng - nhà níu trời xuống thấp

Mùa này, trên miền biên ải Kỳ Sơn lạnh “kinh hồn”, sương mù dày đặc. Vào đầu sáng hoặc chiều tối, đứng cách nhau chục bước chân cũng phải gọi nhau. Có lẽ thế, người dân nơi đây gọi vùng này là “miền rét sương”. Hiếu, cậu lái xe của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, ngâm nga: “Đón sương bay vào cửa/từng mảng mây ngang đầu/nhà níu trời xuống thấp…”. Và chính Hiếu, người đã đi lại nhiều lần trên vùng này mới có thể lái xe đưa tôi từ Lưu Kiền (huyện Tương Dương) qua Nậm Càn lên Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn).

Đường chỉ dốc và dốc, hai bên loáng thoáng lau lách, thỉnh thoảng xuất hiện những khoảng trống màu trắng đục, Hiếu bảo “bên đó là vực”. Từ dốc Thẩm Hín trên địa bàn Nậm Càn, tai đã bắt đầu ù lên, “miệng thở ra khói”, sống mũi khô khô... Chúng tôi đang nâng dần độ cao theo tầm núi Puxailaileng, ngọn núi cao thứ nhì Việt Nam (sau Phanxiphăng).

Ghé Đồn Biên phòng 545. Ấn tượng đầu tiên là những hàng đào cao trơ lá lẩn khuất trong sương chờ ngày nở rộ. Trước cửa đồn đã loáng thoáng vài búp đào chúm chím nở như báo hiệu mùa xuân đang đến gần. Trung tá Trần Văn Viện, Đồn trưởng cho hay: Hàng đào “cùng tuổi” với đồn, được trồng dịp thành lập đồn tháng 5-2003. Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng đồn đã làm được nhiều việc ý nghĩa.

Ngoài việc bảo vệ 15km đường biên được giao, đồn đã xây dựng được hệ thống chính trị vững chắc. Trước năm 2003 tại Na Ngoi có 3 bản Ka Nọi, Huồi Thum, Thăm Hom chưa có đảng viên; 5 bản chưa có chi bộ, nhưng đến nay tất cả các bản đều có chi bộ. Từ cơ sở này các anh bắt đầu vận động nhân dân từ bỏ hẳn việc lén lút trồng cây thuốc phiện, hướng dẫn dân làm kinh tế, học văn hóa, phát động phong trào học tập…

Đúng hôm tôi lên gặp buổi giao lưu văn nghệ giữa bộ đội biên phòng và thầy cô giáo cắm bản. Trong hội trường nhỏ của đồn sương ào vào buốt lạnh. Giữa bảng lảng sương, cô giáo Hoa cất giọng mượt mà, ấm áp: “Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn/đứng nơi đây mà rộng mở tâm hồn”… tôi nghe lòng thật ấm áp, rưng rưng. Rồi các thầy cô, chiến sĩ cùng cất lời các bài hát: Mùa xuân làng lúa làng hoa, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây… Giữa các thầy cô giáo và chiến sĩ nơi đây từ lâu như người một nhà-cùng ở trong lòng đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú. Nơi “miền rét sương” này cũng đã có 3 cặp đôi nên vợ nên chồng. Cả 3 cặp đôi đều từ dưới xuôi lên. Tân - Ngọc ở huyện Quỳnh Lưu, Toàn - Thanh ở huyện Anh Sơn, Quỳnh - Thủy ở huyện Diễn Châu.

Phấn đấu đưa vùng cao... “tiến xuống”

Buổi trưa sương “loãng” ra một chút, chúng tôi đi tìm bác Sồng Như Vừ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Na Ngoi. Bác cho biết xã Na Ngoi có 18 bản, trong đó 16 bản người Mông, 1 bản người Thái và 1 bản người Khơ Mú. Xã có 799 hộ với 5.045 nhân khẩu, trong đó người Mông chiếm 4.439 khẩu, người Thái 415 khẩu và người Khơ Mú 233 khẩu.

Bác Vừ bảo bác sống “càng ngày càng thấy sướng”. Một cái sướng là bác làm mặt trận lâu năm, đến 20 năm liên tục; cái sướng thứ hai, dân bản của bác đã có 7 “đứa” xuống xuôi học đại học, 13 “đứa” học cao đẳng, còn ở bản có 300 “đứa” học mầm non, tiểu học 500, trung học cơ sở 400.

Đi qua các bản như Ka Nọi, Thăm Hón, Huồi Thum, Huồi Sai…, thấy rất nhiều nhà lợp mái bằng gỗ sa mu, một số ngôi nhà mới đang được xây dựng để đón tết. Quanh nhà nào cũng có những hàng đào cổ thụ, đây đó hoa đào bắt đầu nở.

Nhưng để lại ấn tượng nhất cho tôi là trẻ con ở các bản này. Tôi mặc đến hai ba cái áo, mang vớ giày… còn thấy lạnh, trong khi chúng, đứa thì một manh áo, đứa đi chân đất. Dường như chúng đã “chịu” cái lạnh “miền rét sương” này! Chúng vẫn hồn nhiên chơi đùa ngoài các bãi đất nhỏ bên nhà, có đứa thấy người lạ bỏ chạy vào nhà rồi thụp thò ngó ra.

Ghé thăm nhà bác Sồng Tồng So ở bản Ka Dưới. Hỏi chuyện bác về cây anh túc - cây thuốc phiện, bác xua tay: “Dân ta bỏ lâu rồi. Trồng gừng, trồng riềng bán thôi”. Bác So cho biết, hiện giờ 1kg gừng bán được 10.000 đồng, có nhà làm nhiều thu hoạch một vụ 60 triệu đồng. Tôi hỏi năm nay nhà đón tết chắc vui lắm, bác So cười: “Vui nhiều năm rồi. Có tiền bán gừng, bán riềng, tết ở ta còn vui lắm; còn tổ chức ném còn, chơi trâu trận, bò trận…”.

Anh Sồng Bá Lầu, con trai bác So bảo trâu trận, bò trận giống như chọi trâu ở dưới xuôi. Mỗi con trâu mua hết 20 triệu đồng, bò 14 triệu đồng, nuôi cho đến tết đem “trận” để bà con cùng vui, mời các bản xa gần về chơi. Nhưng không như dưới xuôi “trận” xong là xơi trâu và bò, ở đây “trận” xong trâu, bò được thưởng ăn lá, ăn cỏ non, còn mọi người mổ heo cùng vui, “thăm nhau” năm mới.

Thật bất ngờ khi tôi gặp lại Đại tá Vi Hiểu. Người con ở đầu nguồn sông Nậm Nơn này, trước đây anh là chỉ huy trưởng Huyện đội Kỳ Sơn, nay được điều về làm Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế, Quốc phòng 4. Ngoài nhiệm vụ quốc phòng, anh Hiểu đang cùng các cán bộ chiến sĩ hướng dẫn cho dân trồng các loại cây như hoa ly, dong riềng, gừng, chè Tuyết Shan, thử nghiệm nuôi cá hồi…

Dong riềng vùng này đã tạo thành sản phẩm là miến dong đã bắt đầu nổi tiếng, với thương hiệu mang tên ngọn núi Phuxailaileng. Riêng hoa ly trồng trên vùng này có tới 8 búp nở hoa rất đẹp, đưa xuống xuôi bán với giá khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/cành… Anh nói vui rằng “4 nhà” là bộ đội, biên phòng, giáo viên, thanh niên xung phong, phối hợp cùng các cấp chính quyền và người dân đang cố gắng đưa vùng cao này… “tiến xuống”. Tôi tỏ vẻ không hiểu, anh cười giải thích: “Nghĩa là đưa đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội… của người dân vùng cao tiến dần mặt bằng của người miền xuôi”.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục