Sự trở lại với chính kịch của sân khấu thành phố qua “Một cuộc đời bị đánh cắp” - vở diễn mới của Sân khấu kịch IDECAF đang được dư luận báo chí ủng hộ, khán giả khen ngợi. Khán giả xem đông và cách xem của họ cũng khác: không ồn ào mà chăm chú, thả mình chìm đắm vào không khí của vở kịch… Lâu lắm rồi sân khấu mới có lại cái không khí xem kịch mà người làm nghề mong đợi. Đã thấy có dấu hiệu sân khấu lấy lại sự thăng bằng giữa thị trường và nghệ thuật, giữa giáo dục và giải trí. Đây là một tín hiệu vui.
Hiện tượng trở về với chính kịch, kịch chính luận, kịch về những chủ đề nghiêm túc, có ý nghĩa xã hội cao, tuy không mới trong đời sống sân khấu nhưng cho thấy một sự thực đơn giản, rất đúng với thực tế là kịch phải hay mới có người xem.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được nhiều tác phẩm sân khấu hay. Gọi là hay nghĩa là kịch viết ra phải có tầm tư tưởng và nghệ thuật cao, phải có sức khái quát lôi cuốn người xem bằng hình tượng độc đáo, bằng tính chân thực của việc phản ánh, bằng nghệ thuật thể hiện hình thức hấp dẫn, đẹp. Những gì khán giả thấy diễn ra trên sân khấu gần gũi với họ nhưng không tầm thường, dung tục.
Hiện thực miêu tả trong tác phẩm nghệ thuật có quan hệ mật thiết với hiện thực của đời sống, nhưng nghệ thuật không đồng nhất với hiện thực, bởi cái hiện thực được thể hiện trong tác phẩm sân khấu là những gì được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống. Tác phẩm có giá trị bao giờ cũng là tác phẩm thực hiện một cách đầy đủ và cùng một lúc các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, nghĩa là nó luôn hướng tới chân - thiện - mỹ.
Tách rời các chức năng này khỏi tác phẩm sẽ làm suy giảm đi rất nhiều giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời cũng làm giảm đi cái tầm của người viết cho dù người viết có tâm và có tài. Những tính chất đặc thù của sân khấu đòi hỏi ở người viết một sự hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, về con người và nhất là phải có tầm nhìn xa để thấy trước, đón đầu những diễn biến của các mâu thuẫn, các bức bối xã hội sẽ được phản ánh trong tác phẩm.
Lâu nay trong các tác phẩm được sáng tạo, người làm sân khấu thường chú ý, nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục của nội dung phản ánh giá trị thẩm mỹ của hình thức thể hiện. Những tác phẩm có giá trị nghệ thuật xưa nay đều được nhìn nhận như vậy.
Tuy nhiên từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước đổi mới và chấp nhận kinh tế thị trường thì xã hội có nhiều thay đổi, đời sống người dân phát triển, đời sống nghệ thuật phong phú hơn… Thực tế đời sống và tính đặc thù của ngôn ngữ kịch - nghệ thuật của các mối mâu thuẫn, xung đột - đã tạo cho sân khấu có thêm các chức năng dự báo, phản biện xã hội.
Bằng chứng là chúng ta có giai đoạn sân khấu làm được vai trò phản biện và thực hiện chức năng dự báo như các vở kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, cố tác giả Xuân Trình. Khán giả khó có thể quên được tác động xã hội rất tích cực của “Tôi và chúng ta”, “Mùa hè ở biển” và sau này là những “Lời thề thứ 9”, “Hồn Trương Ba…”, những tác phẩm tiêu biểu cho tầm nhìn vừa sâu lại vừa xa của các tác giả thời đó. Nó cho thấy cái tầm của người viết quan trọng đến thế nào bởi những giá trị lớn lao họ đã tạo ra.
Thời kỳ quan liêu bao cấp qua đi đến thời kỳ thị trường, hội nhập xã hội có nhiều thay đổi. Hiện thực mới thay thế cho hiện thực cũ, giá trị mới thay thế những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu. Mâu thuẫn, xung đột mới phát sinh, nổ ra giữa những va chạm muôn thuở của hai mặt tốt và xấu, tích cực và tiêu cực của xã hội, riêng và chung của cộng đồng và cá nhân.
Lẽ ra sân khấu phải tiếp sức, giúp giải quyết những bức bối của xã hội bằng sáng tác và trình diễn những tác phẩm có nội dung phản biện, dự báo như trước đây các tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Trình đã làm thì sân khấu lại né tránh đối mặt với các hiệu thực gai góc để chỉ tập trung khai thác những mâu thuẫn vụn vặt trong sinh hoạt đời thường, khai thác các thân phận có đời sống éo le, tình cảm bi lụy, sướt mướt hay những chuyện vui tầm phào nhằm mục đích tiêu khiển.
Tuy có đề cập đến một số mặt tiêu cực trong đời sống với những mâu thuẫn về lối sống phi đạo lý, chạy theo đồng tiền những tình yêu ngang trái tay đôi, tay ba… cuộc sống và nhân vật sân khấu vẫn ở tầm thấp so với hiện thực. Một thời gian dài chúng ta để cho sân khấu chạy theo thị hiếu khán giả bằng sự lặp lại các đề tài ăn khách như đề tài kinh dị, ma quái, đồng tính, chạy theo tiếng cười đủ kiểu, đủ cách tuy có thu hút được một bộ phận khán giả nhưng không làm cho tâm hồn họ giàu thêm về cảm xúc trước cái hay, cái đẹp, cái cao thượng…
Sáng tác là một công việc nhọc nhằn, đầy những khó khăn và áp lực. Sáng tác có tầm lại càng khó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cá nhân của người viết kịch. Là người làm cái việc khởi đầu của mọi khởi đầu sau đó, đòi hỏi ở người viết nhiều điều trước hết là cái tâm trong sáng rồi tới cái tầm cao của tư tưởng. Chúng ta không thiếu người có tâm và có tài nhưng có được cái tầm là điều còn mơ ước.
NSƯT TRẦN MINH NGỌC