Cải tạo vùng đất chết!

Cải tạo vùng đất chết!

Khi thấy chiếc máy cuốc đầu tiên đến nạo vét con kinh Rạch Trường ở xã Long Sơn thì người dân mới tin là tỉnh Long An cho nạo vét kinh mương để cải tạo “vùng đất chết”ở đây. Bởi vùng đất này-nơi có gần 10.000 hộ dân sống nhờ vào nó, đã bị “bắt chết” gần 30 năm qua.

  • Tạo ra “Đồng Tháp Mười” ở vùng hạ

Vùng đất trải rộng gần 1.000ha nằm cặp theo sông Vàm Cỏ Tây qua các xã Long Sơn, Tân Trạch, Phước Tuy, Long Hựu Tây thuộc huyện Cần Đước (Long An), lâu nay người ta gọi nó là “vùng đất chết”. Trước đây, mỗi năm hai mùa mặn ngọt, vùng đất này cho ra 4.000 - 5.000 tấn lúa, cũng ngần ấy tấn cá tôm. Tuy chưa đủ nhiều để người dân làm giàu nhưng cũng đủ cho họ sống được quanh năm, từ đời này sang đời khác. Thế nhưng, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, chính quyền lúc đó cho đắp một con đê dọc theo cánh đồng này. Mục đích nhằm ngăn mặn, giữ ngọt để bắt cánh đồng “đẻ” ra nhiều lương thực hơn, nhưng mọi tính toán lúc đó đã bị “áp phê ngược”.

Bởi cùng chủ trương cải tạo đất nhưng cánh đồng hoang gần 300.000ha ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An bị nhiễm phèn nặng từ hàng ngàn năm qua được khai phá, cải tạo, từng ngày cho ra nhiều hạt lúa… giúp cho đời sống người dân nơi đây ngày một khấm khá hơn. Ngược lại, cánh đồng ở vùng hạ này bị “chết dần chết mòn”, cây lúa không thể bám rễ xuống đất, con cá, con tôm…cũng không thể sống được vì bị nhiễm phèn rất nặng. Cuối cùng, người dân sống ở đây cũng đành “buông súng”, lần lượt bỏ xứ ra đi. Ai giỏi chịu đựng, hoặc không có chỗ để đi thì ở lại, chấp nhận nghèo khó mà tồn tại. Thế là từ đó người ta gọi vùng đất này là “vùng đất chết”.

Theo một cán bộ “lão làng” của Cần Đước: Lúc đó lãnh đạo huyện nghĩ đơn giản là cứ đắp đập ngăn mặn là sẽ tăng vụ, có thêm lương thực. Nhưng khi hoàn thành hệ thống đê bao, cống đập thì Cần Đước liên tục bị mất mùa, do đồng ruộng chưa quen bị “giam cầm” trong đê bao. Đất chỗ cao thì bị “sa mạc hóa”, còn chỗ thấp thì bị úng phèn nặng. “Đây là cái dở của công tác thủy lợi lúc bấy giờ, nhưng nhờ vậy mà rút kinh nghiệm cho các huyện lân cận như Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành không mắc sai lầm tương tự” - vị cán bộ này đúc kết.

Dù vậy, “số phận” của “vùng đất chết” này vẫn còn long đong. Cải tạo để phục hồi công năng sản xuất lúa cho nó hay “biên chế” vào vùng ưu tiên phát triển công nghiệp? Cuối cùng, trước “phong trào công nghiệp hóa”, nó được “bán cái” cho phát triển công nghiệp, dù lúc đó có một số ý kiến không đồng ý. Thế là 400ha đất ở Long Sơn được quy hoạch làm khu công nghiệp Long Sơn, 200ha khác ở Long Hựu Tây được quy hoạch làm nhà máy nhiệt điện,… Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, phát triển công nghiệp đâu không thấy, chỉ thấy vùng đất này vẫn nguyên hình là “vùng đất chết”. Ông Thanh, một nông dân ở Long Sơn, bức xúc: “Mấy ổng nói chuyển qua làm công nghiệp gì đâu không thấy, chỉ thấy toàn đất hoang từ đó đến giờ. Mấy đứa nhỏ nghe nói làm công nghiệp sẽ được xin vô làm công nhân, đợi hoài không thấy nên kéo nhau lên Sài Gòn, Bình Dương làm thuê hết rồi. Chỉ có người lớn tuổi như tụi tôi mới cố cầm cự tới bây giờ”.

  • Giải cứu vùng đất chết

Những ngày cuối năm 2012, chúng tôi về “vùng đất chết”: đi từ xã Long Sơn về Tân Trạch, Phước Tuy, rồi đến Long Hựu Tây dọc theo tuyến đê bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Ông Lợi chỉ 2 công ruộng của mình bị bỏ hoang sau khi con đê chắn qua.

Ông Lợi chỉ 2 công ruộng của mình bị bỏ hoang sau khi con đê chắn qua.

Ông Đặng Văn Lợi (62 tuổi), một nông dân ở ấp 5 xã Long Sơn, cho biết: “Mấy ngày nay thấy mấy ông nhà nước cho nạo vét kinh rạch để cải tạo lại nó, dân tụi tôi ai cũng mừng”. Theo ông Lợi, hơn 30 năm trước, lúc cưới vợ, cha mẹ cho 6 công đất nằm cập sông để làm ăn, mỗi năm kiếm cũng khoảng 120 giạ lúa. Tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống. Nhưng mới được mấy năm thì miếng đất bị cắt làm đôi, nhường cho con đê chạy qua gần 2 công đất. Đã vậy, hơn 2 công đất bên trong đê cũng không sản xuất được, do ứ phèn. “Thế là từ đó đến nay, cả nhà 9 miệng ăn của tôi chỉ còn trông cậy vào 2 công đất làm lác còn lại ngoài tuyến đê”- ông Lợi than. Còn ông Liêm, một người dân cùng ở ấp 5, cũng than: “Con đê nó bít lại nên không trồng được gì hết, tụi tôi đành trồng tràm thôi dù biết không có lời gì”. Nhưng khi nói về các con rạch đang được nạo vét để dẫn nước về cải tạo cánh đồng, ông Liêm cười tít mắt: “Được vậy thì còn gì bằng, ông nào làm được cái này là thánh rồi, dân tụi tôi biết ơn vô cùng”.

Không riêng gì ông Lợi, ông Liêm mà nhiều người dân ở đây đều rất phấn khởi khi biết và thấy tỉnh cho nạo vét kinh rạch để cải tạo “vùng đất chết” này. Họ hy vọng không còn “mừng hụt” như hai lần trước đây. Như hiểu nỗi lòng của người dân, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Đước, khẳng định: “Lần này tỉnh, huyện sẽ nạo vét lại kinh rạch để cải tạo đất cho bà con trồng lúa, chứ không còn bỏ hoang như trước nữa đâu”.

Còn ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: Trước mắt, sở sẽ cho nạo vét 6 con kênh lớn và 10 tuyến kênh nhỏ ở ấp 5 xã Long Sơn. Các công trình này sẽ giúp rửa phèn, đưa nước ngọt vào ruộng để người dân có thể trồng lúa ổn định. “Sau khi nạo vét các tuyến kênh, chúng tôi xem tình hình thực tế như thế nào rồi sẽ có kế hoạch sửa chữa, xây dựng thêm cống thoát nước, với mong muốn làm sao để vùng đất này trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả”- ông Lê Minh Đức khẳng định.

Những ngày này, có đến đây mới thấy hết nỗi khắc nghiệt của thiên nhiên do con người tạo ra. Trong lúc cây lúa đông xuân ở vùng Đồng Tháp Mười đang xanh mơn mởn thời con gái thì “Đồng Tháp Mười” ở đây lại phủ một màu vàng xám xịt của năn, lác, tràm… đã bị ám màu phèn đã gần 30 năm qua. Khi mét kinh đầu tiên được nạo vét, dân ở đây ai cũng mong “vùng đất chết” này sẽ được hồi sinh, cây lúa được bám rễ tốt tươi trên đồng. 

ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục