Cải thiện cuộc sống từ môi trường bền vững

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã bật đèn xanh cho 48 dự án và 3 chương trình do Cơ quan Nông lương LHQ (FAO) chủ trì để thúc đẩy chuyển đổi hệ thống nông sản bền vững tiến tới chấm dứt nạn đói và bảo vệ môi trường.

Theo đó, nguồn kinh phí cấp cho các dự án lên đến 2,9 tỷ USD. Các dự án sẽ mang lại lợi ích cho 4,2 triệu người ở 5 khu vực trên toàn cầu, giúp khôi phục hơn 474.000ha đất; cải thiện các biện pháp trồng trọt trên hơn 24 triệu ha đất và cải tạo môi trường sống trên biển; quản lý hơn 2 triệu ha khu bảo tồn trên đất liền và biển; giảm thiểu 133 triệu tấn phát thải khí nhà kính và loại bỏ 202 tấn hóa chất nông nghiệp độc hại.

o8c-3704.jpg
Dự án của FAO hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch

Các chương trình tập trung cụ thể vào 8 chuỗi và lĩnh vực giá trị nông sản: ngô, gạo, lúa mì, ca cao, dầu cọ, đậu nành, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đồng thời dự kiến khôi phục hơn 870.000ha đất trồng trọt, rừng, đồng cỏ tự nhiên và đất bị thoái hóa, vùng đất ngập nước, giúp giảm thiểu hơn 174 triệu tấn khí thải nhà kính và loại bỏ 220 tấn thuốc trừ sâu độc hại. Có khoảng 46 quốc gia hợp tác với FAO để tiếp cận nguồn tài chính từ GEF trong chương trình làm việc này, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Chương trình tích hợp đại dương sạch và khỏe mạnh sẽ tài trợ 100 triệu USD cho 14 quốc gia để giảm ô nhiễm đại dương trên đất liền ở 9 hệ sinh thái biển lớn (LME). Mục đích nhằm giải quyết các vùng thiếu oxy ở biển - còn được gọi là “vùng chết” - bằng cách hạn chế các nguồn ô nhiễm trên đất liền từ nông nghiệp (lạm dụng phân bón, ô nhiễm vật nuôi) và các nguồn công nghiệp và đô thị (nước thải chưa được xử lý) thông qua các biện pháp chính sách, quy định và đầu tư cơ sở hạ tầng kết hợp với quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và các giải pháp dựa vào hệ sinh thái. Tương tự, Chương trình Nexus nước và đất Trung Á sẽ chuyển 26 triệu USD đến Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan để khôi phục hệ sinh thái của lưu vực Amu Darya và Syr Darya nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện sinh kế ở nông thôn.

Theo Phó Tổng Giám đốc FAO Maria Helena Semedo, đây là chương trình làm việc lớn nhất trong các dự án của FAO được Hội đồng GEF phê duyệt. Có sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác và quốc gia, những dự án này có tiềm năng cải thiện cuộc sống của hàng triệu người thông qua chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm, đồng thời giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và các yếu tố gây ra nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới vừa diễn ra tại New York, Mỹ, Tổng thư ký LHQ António Guterres đánh giá chiến tranh và bất ổn khí hậu nằm trong số những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng. Theo LHQ, 13/14 quốc gia có nguy cơ cao nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu đang đối mặt với khủng hoảng nhân đạo và an ninh lương thực.

Do đó, sự hỗ trợ của GEF và FAO đã phần nào trở thành động lực quan trọng cho việc giải quyết bài toán suy thoái môi trường, tiếp nối những thỏa thuận mang tính bước ngoặt về đa dạng sinh học. GEF là quỹ môi trường được hình thành từ sự đóng góp của các quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước phát triển, với mục đích hỗ trợ kinh phí cho các dự án có ích lợi kinh tế cho môi trường toàn cầu của các quốc gia.

Tin cùng chuyên mục