Cải thiện, nhưng chưa đủ

Theo số liệu cập nhật từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 79,3 triệu đồng/lao động (khoảng 3.657 USD/lao động).

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2015 ước tính tăng 6,4% so với năm 2014. Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2006 - 2015 tăng 3,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006 - 2010 tăng 3,4%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,2%/năm. Riêng năm 2015, năng suất lao động tăng 23,6% so với năm 2010 (mục tiêu đề ra là tăng 29% - 32%). Khoảng cách tương đối giữa năng suất lao động của Việt Nam so với năng suất lao động của các nước ASEAN đã được thu hẹp. Cụ thể, tính theo sức mua tương đương 2005 (PPP), năng suất lao động của Singapore năm 1994 gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần. Tương tự, khoảng cách giữa năng suất lao động của Malaysia và Việt Nam giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; Việt Nam - Thái Lan từ 4,6 lần xuống 2,7 lần...

Tuy nhiên, một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là năng suất lao động của nước ta hiện nay vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và không đồng đều giữa các ngành và lĩnh vực. Khoảng cách tương đối về năng suất lao động tuy đã giảm đáng kể nhưng khoảng cách tuyệt đối (chênh lệch mức năng suất lao động) giữa Việt Nam với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Singapore, Thái Lan, Indonesia lại gia tăng. Chẳng hạn, chênh lệch giữa năng suất lao động của Singapore và Việt Nam (theo PPP 2005) tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD năm 2013; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.311 USD; Thái Lan từ 7.922 USD lên 9.314 USD.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp. Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chưa được khắc phục mà cuộc bình chọn những chính sách “tốt nhất” và “tồi nhất” đối với môi trường kinh doanh, dù chỉ vừa mới được VCCI phát động, cũng đã chỉ ra nhiều ví dụ. Được điểm mặt chỉ tên ở nhóm chính sách tồi có Nghị định 60/2014 yêu cầu điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in; Thông tư 21 về đăng ký hàm lượng hoạt chất đối với mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật; Thông tư 47 yêu cầu nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A (tương đương với nước mà con người có thể uống được); Thông tư 20 về hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục