Logistics xanh: Điểm tựa để doanh nghiệp vượt qua các “cú sốc” từ bên ngoài

Chiều 11-7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (thuộc Bộ Công thương) cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics và đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines). Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 lên hơn 786 tỷ USD.

Tuy nhiên, những “cú sốc” từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu. Trong bối cảnh đó, logistics xanh là vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và là điểm tựa để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các “cú sốc” từ bên ngoài.

adf52cf62bcb9d95c4da.jpg

Cụ thể, việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hóa quản lý kho bãi không chỉ tốt cho môi trường mà còn giảm được gánh nặng chi phí dài hạn. Trong bối cảnh giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là một “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.

Theo ông Trần Thanh Hải, trên thế giới đặt ra những mục tiêu khá thách thức về giảm phát thải. Theo đó, EU triển khai cơ chế đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao, áp lực từ người tiêu dùng buộc nhà cung cấp phải xây dựng chuỗi cung ứng xanh, trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia chuỗi cung ứng phải “xanh”. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, chứng chỉ “xanh” sẽ là điểm vượt trội.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch VLA cũng cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và khó lường, chuỗi cung ứng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột khu vực, chi phí logistics leo thang, rào cản thuế carbon, cùng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất nhập khẩu.

Trước những thay đổi sâu rộng đó, xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn là một viễn cảnh xa xôi, mà đang tác động trực tiếp tới mọi doanh nghiệp logistics, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh không chỉ là một xu thế, mà là lựa chọn tất yếu để tồn tại và phát triển. Đây chính là chiến lược then chốt giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực chống chịu, thích ứng linh hoạt, và nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển logistics xanh khi hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, đặc biệt là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển.

Mặc dù vậy, những thách thức của logistics xanh của Việt Nam cũng không nhỏ như: chi phí đầu tư cho logistics xanh còn lớn trong khi chưa có sự hỗ trợ; công nghệ chưa phổ biến, giá thành cao; thiếu chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai; hạ tầng chưa đáp ứng và về nhận thức, thói quen.

Do đó, trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh, nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại.

Bên cạnh đó, ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường; chia sẻ và nỗ lực hợp tác giữa các doanh nghiệp; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.

Tin cùng chuyên mục