Hơn 1.000kg cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những ngày gần đây đã khiến dư luận không khỏi bức xúc và bất bình. Hiện tượng cá chết như thế này không phải diễn ra lần đầu mà đã tái lập thường xuyên. Ngay cả con kênh đã được TPHCM đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải thiện chất lượng nguồn nước mà còn như vậy thì tại những con kênh khác, chất lượng nguồn nước sẽ ra sao?
Kênh nào cũng ô nhiễm
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị cho biết, theo quy trình do UBND TPHCM yêu cầu, trung bình cách mỗi ngày nhân viên công ty sẽ thực hiện vớt rác 1 lần trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thời gian gần đây, lượng rác thải xuống kênh rạch khá lớn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 8 tấn rác được vớt lên từ kênh rạch. Chưa kể, trong những ngày gần đây, lượng cá chết rất nhiều trên kênh khiến nguồn nước kênh bốc mùi hôi tanh kinh khủng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân, buộc công ty phải tăng cường nhân viên túc trực thường xuyên vớt cá chết. Chỉ tính trong 2 ngày, công ty đã vớt hơn 1.000kg cá chết. Đây không phải là lần đầu công ty vớt được lượng cá chết lớn như vậy trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Cũng vào thời điểm này năm trước, nhân viên công ty đã vớt hơn 500kg cá chết trên kênh này.
Cá chết nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn gần cầu Trần Khánh Dư. Ảnh: CAO THĂNG
Lý giải về hiện tượng lượng cá chết nhiều trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà không phải là ở những kênh rạch khác, ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, nguyên nhân là do kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo có chất lượng nước tương đối tốt, tạo điều kiện cho cá sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, nguồn nước vẫn bị ô nhiễm nặng bởi lượng lớn rác thải và nước thải ô nhiễm vẫn thải ra kênh, tập trung chủ yếu ở đoạn kênh chảy qua quận Tân Bình. Tại đây, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp nguồn nước có màu khác nhau được dẫn từ hệ thống cống nước sinh hoạt của khu dân cư đổ vào. Những lần xuất hiện nguồn nước này đều có cá chết. Tuy nhiên, trong đợt này, khi chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm cộng với hiện tượng sốc nhiệt dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt. Còn lý giải tại sao những kênh rạch khác cũng có hiện tượng sốc nhiệt nhưng cá không chết, theo các công nhân vệ sinh đang thực hiện vớt rác trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm cho biết, tại những kênh này chưa xuất hiện sự hồi sinh của cá. Tuy kênh được cải tạo nhưng nước thải ô nhiễm còn nhiều. Lòng kênh cạn, thường xuyên phơi đáy những khi không có thủy triều nên không có cá sống.
Tại những kênh được TP đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cải tạo mà còn ô nhiễm đến vậy thì tại những tuyến kênh nhỏ, không được đầu tư cải tạo, mức độ ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đại diện UBND xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho biết, toàn xã có 35 tuyến sông, kênh rạch nhưng gần như tuyến kênh nào cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng vì hứng chịu nước thải ô nhiễm của các con kênh từ những quận, huyện khác đổ về và một phần hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong xã thải ra. Cụ thể, khi thủy triều lên, nước thải từ kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm từ quận 8 đổ về Chợ Đệm, kênh Xáng Ngang… Những lúc thủy triều xuống nước từ khu vực huyện Củ Chi thông qua kênh Thầy Cai - An Hạ và Vĩnh Lộc đổ về kênh B, kênh C. Lượng nước thải này luôn bị ô nhiễm, có màu đen đậm và mùi hôi rất khó chịu. Chưa hết, địa bàn xã còn phải tiếp nhận lượng lớn nước thải từ hoạt động sản xuất của khu công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Dù khu sản xuất tập trung này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng thỉnh thoảng vẫn có lượng nước thải chưa qua xử lý thải ra môi trường.
Chế tài kinh tế với hành vi gây ô nhiễm
Không chỉ ô nhiễm vì nước thải bẩn, mà còn do tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân, thường xuyên vứt rác xuống kênh rạch. Thực tế này đã khiến lòng kênh bị bồi lắng nhanh chóng, ngăn cản dòng chảy, làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Theo TS Phạm Thị Anh, Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang TPHCM, để cải thiện chất lượng nước kênh rạch, duy trì tính bền vững cho các dự án cải thiện chất lượng nước kênh rạch nói chung của thành phố cần phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi xả nước thải ô nhiễm và bỏ rác xuống kênh rạch, bỏ rác không đúng nơi quy định. Việc xử phạt cần được quy định rõ trong văn bản. Trong đó, xác định rõ tổ chức, cá nhân được quyền xử phạt, hình thức và mức độ xử phạt như phạt tiền, phạt lao động công ích… Mức phạt cần tăng theo số lần vi phạm. Bên cạnh đó, đầu tư trang bị những thiết bị như máy chụp ảnh, gắn camera… để có thể bắt quả tang những đối tượng vi phạm. Đặc biệt, xây dựng tổ tuần tra, giám sát là thành viên trong cộng đồng dân cư sống dọc hệ thống kênh rạch để thực hiện hoạt động giám sát và xử lý hành vi vi phạm môi trường.
Trên thực tế, việc vận động, tuyên truyền người dân tự giác chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đã được thực hiện rất nhiều năm. Rất nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường do nhiều tổ chức đoàn thể được tổ chức nhưng cho đến nay hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Sau mỗi đợt chiến dịch tuyên truyền, những thói quen thiếu thân thiện môi trường của một bộ phận dân cư được thiết lập lại. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng không thể đòi hỏi việc tuyên truyền bảo vệ môi trường có hiệu quả nếu không có những giải pháp chế tài kinh tế đi kèm. Kinh nghiệm từ việc quản lý và bảo vệ môi trường tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp… đã chứng minh điều đó. Do vậy, để có thể cải thiện chất lượng môi trường nói chung trong thời gian tới, nhất thiết phải áp dụng triệt để giải pháp chế tài bằng kinh tế. Có như vậy mới giảm lãng phí công tác đầu tư cải thiện chất lượng môi trường, đồng thời phần nào hạn chế được tình trạng tái ô nhiễm như lâu nay.
MINH XUÂN