Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân “Thiên đường” biển gọi

Lâu nay, khách mỗi khi có dịp đến tỉnh Hà Tĩnh du lịch, nghỉ dưỡng thường tập trung đến các bãi biển Thiên Cầm, Thạch Hải, Thạch Bằng, Xuân Thành, Xuân Yên, Vũng Áng… nhưng rất ít ai biết 2 khu vực bãi biển du lịch hoang sơ nằm sát nhau ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp như tranh.
Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân “Thiên đường” biển gọi

Lâu nay, khách mỗi khi có dịp đến tỉnh Hà Tĩnh du lịch, nghỉ dưỡng thường tập trung đến các bãi biển Thiên Cầm, Thạch Hải, Thạch Bằng, Xuân Thành, Xuân Yên, Vũng Áng… nhưng rất ít ai biết 2 khu vực bãi biển du lịch hoang sơ nằm sát nhau ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) và xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp như tranh.

Hoang sơ

Bãi biển xã Cẩm Lĩnh và bãi biển xã Kỳ Xuân nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh về phía Đông Nam khoảng 45km và cách Quốc lộ 1A về phía Đông khoảng 4,5km, đường bê tông sạch, đẹp, thông thoáng, đủ rộng cho ô tô vào tận nơi. Phong cảnh nơi đây được người dân địa phương ví như “thiên đường” du lịch sinh thái biển, vẫn chưa được đánh thức.

Quả như vậy, khi vừa đặt chân đến nơi đây, chúng tôi thực sự choáng ngợp và nhanh chóng bị “thôi miên” bởi phong cảnh biển quá đẹp, lãng mạn. Với chiều dài đường bờ biển hơn 17km (Kỳ Xuân gần 13km, Cẩm Lĩnh hơn 4km), nước biển trong xanh, mát dịu, có nhiều lèn đá, bãi đá nhấp nhô tự nhiên đan xen các bãi cát thoai thoải và có các khe nước vừa mặn, vừa ngọt phân chia ranh giới tùy theo thủy triều. Phía bên trên là những tán rừng phi lao, rừng tràm phòng hộ cao vút ngăn gió, chắn sóng, phía xa xa ngoài khơi có 2 đảo Hòn Én và Hòn Bớc án ngữ. Cách đất liền 4-6 hải lý, 2 đảo này trông như một bàn tay che chở cho dân vạn chài tránh bão tố từ đời này qua đời khác.

Một góc bãi biển Cẩm Lĩnh, nhìn ra đảo Hòn Én

Đặc biệt, bãi biển ở Cẩm Lĩnh, Kỳ Xuân nằm dựa lưng vào các ngọn núi nguyên sinh như Tượng Lĩnh, núi Vàng, núi Sơn Tịnh… bên cạnh những ngôi làng chài thấp thoáng càng làm cho phong cảnh núi non - biển cả trở nên hấp dẫn, hữu tình đẹp như tranh. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo, tại bãi biển Cẩm Lĩnh, Kỳ Xuân sẵn có rất nhiều loại hải sản tươi sống “đặc sản” mà hiếm vùng biển nào được thiên nhiên ban tặng như vậy, nào là mực nháy, cụp, tôm hùm, cu kỳ, lệch, sò huyết, sò mai, sò điệp, ngọc nữ, vẹm, cá vược, cá mú… Tuy nhiên, có lẽ vì nhiều lý do mà địa phương vẫn chưa khai thác hết lợi thế vốn có này để phát triển du lịch.

Khoảng 2 năm trở lại đây, 4 hộ dân ở xã Cẩm Lĩnh đã làm đơn xin chính quyền địa phương cho phép ra bãi biển Cẩm Lĩnh xây dựng quán hàng kinh doanh dịch vụ du lịch. Chị Trần Thị Lành, chủ quán Hải Đăng phấn khởi: “Cảnh vật ở đây không chê được, có nhiều loại hải sản tươi rói chỉ vùng này mới có. Ngoài ra, cách chế biến các món ăn thơm ngon rất riêng biệt, đảm bảo chất lượng, hợp khẩu vị, giá hợp lý. Tiếng lành đồn xa, nên thời gian gần đây số khách ngoài địa phương tổ chức nhóm, hộ gia đình đến đây nghỉ mát, du lịch bắt đầu tăng đáng kể, nhất là vào dịp hè. Nay mai đầu tư, quy hoạch đúng hướng, nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng không thua gì Thiên Cầm, Thạch Hải, Cửa Lò… Người dân chúng tôi cũng được hưởng lợi, có công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống”.

Bãi biển Kỳ Xuân được chia thành 3 bãi biển nhỏ là Xuân Thắng, Xuân Phú, Xuân Tiến. Ngoài ra, còn có 2 danh thắng rất độc đáo mà các bãi biển khác không thể có, đó là bãi Cu Kỳ (đất tổ của cu kỳ, loại chim biển vẻ ngoài giống cu gáy) thuộc bãi biển Xuân Thắng và bãi Én thuộc bãi biển Xuân Phú. Từ các bãi tắm, du khách được ngư dân địa phương đưa ra bãi Cu Kỳ hoặc bãi Én bằng thuyền máy. Tại đây, du khách thỏa sức tung tăng dạo chơi và chiêm ngưỡng cảnh sắc biển trời mênh mông tuyệt đẹp.

Tận dụng lợi thế này, khoảng 3 năm trở lại đây Kỳ Xuân bắt đầu chuyển hướng mạnh đầu tư, khuyến khích người dân phát triển kinh doanh du lịch biển. Số lượng khách trong tỉnh biết và tổ chức về đây du lịch, nghỉ dưỡng cũng tăng khá nhiều, qua đó góp phần nâng cao đáng kể nguồn thu nhập cho người dân, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương đi lên.

Con cụp, đặc sản biển thơm ngon chỉ có ở vùng biển xã Cẩm Lĩnh

Triển vọng khu du lịch biển tiềm năng

Kỳ Xuân là xã bãi ngang vùng ngoài thuộc huyện Kỳ Anh, gồm các thôn Quang Trung, Nguyễn Huệ, Xuân Phú, Trần Phú, Thắng Lợi… với dân số gần 7.000 người, ngư dân chỉ 30%, nông dân 70%. Các năm trước, do hạn hán và thiên tai mưa bão liên tiếp, nhiều người dân đã bỏ ruộng nương vào TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đăk Lăk, Gia Lai… tìm việc làm, số khác đi xuất khẩu lao động, vì thế người dân nơi đây đang rất kỳ vọng du lịch biển Kỳ Xuân sớm được đầu tư xứng đáng để con em địa phương trở về quê hương phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Lãnh đạo UBND xã Kỳ Xuân cho biết, xã xác định phát triển du lịch biển là một trong những mũi nhọn kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới. Nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế du lịch biển, thời gian qua xã đã quy hoạch và phát triển 2 khu du lịch sinh thái là bãi biển Xuân Thắng và Xuân Tiến. Đặc biệt, hiện nay địa phương đang triển khai quy hoạch và xây dựng khu bãi biển Xuân Phú đẹp, phẳng, có mặt bằng rộng và thoáng mát, chắc chắn trong thời gian tới sẽ góp phần thúc đẩy du lịch biển Kỳ Xuân phát triển xứng tầm.

Phong cảnh hoang sơ đẹp hữu tình ở bãi biển Cẩm Lĩnh

Ông Trần Đình Lam, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, toàn xã có 10 thôn với 5.800 người, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân làm nông nghiệp chiếm 70% và ngư nghiệp 30%. Hiện tuyến đường quốc phòng ven biển Vũng Áng - Cẩm Nhượng đã cơ bản hoàn thành, đặc biệt là cầu Cửa Nhượng, cầu dài nhất ở Bắc miền Trung với 1.368m, nối liền xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh, vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, sẽ là bước ngoặt lớn để khai thác tiềm năng, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển của xã.

“Xác định phát triển dịch vụ du lịch biển sẽ là kinh tế mũi nhọn nên chính quyền xã Cẩm Lĩnh đang tập trung kêu gọi đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con ký hợp đồng thuê mặt bằng mở hàng quán kinh doanh chất lượng tại khu vực ven biển để sớm biến nơi đây trở thành trung tâm phục vụ, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn mới của địa phương”, ông Lam nói.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục