Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh

Cảm nhận từ Đà Nẵng

Mối quan hệ giữa Sài Gòn - TPHCM và Đà Nẵng - Quảng Nam không được xác lập bởi một lễ kết nghĩa, không được quy định bởi một văn bản chính thức, nhưng trong lòng người dân Quảng Nam - Đà Nẵng nó hiện hữu, gắn bó như là một tất yếu của cuộc sống, của lịch sử.

...Cách đây hơn 80 năm, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh sau 14 năm ở Pháp đã về Sài Gòn. Ở Sài Gòn trong 9 tháng cuối đời với hai cuộc diễn thuyết và nhiều cuộc tiếp xúc, nhà chí sĩ đất Quảng đã gây tiếng vang lớn. Đặc biệt đám tang ông đã trở thành một sự kiện chính trị chưa từng có. Hơn mười vạn người (khoảng 1/3 số người trưởng thành sống ở Sài Gòn lúc đó) đã nối thành dòng người bất tận tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ tang ông ở Sài Gòn đúng là “truy điệu Tây Hồ nhật. Thức tỉnh quốc dân hồn” bởi nhân dân Sài Gòn và cả nước tôn vinh ông “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” như bức liễn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ.

Thời dựng Đảng, Sài Gòn là địa bàn tốt hơn hết để náu mình hoạt động cách mạng và hoạt động ở Sài Gòn lại có tác động mạnh không đâu bằng. Nhiều chiến sĩ cách mạng trẻ từ Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) đã vào đây. Phan Bôi (em ruột nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Thanh) học và bắt đầu tham gia phong trào ở Huế, ra Hà Nội làm công nhân nhà in rồi vào Sài Gòn trở thành đảng viên cộng sản.

Vừa đúng 20 tuổi, ngày 8-2-1931, ông, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm tổ chức diễn thuyết ở sân bóng đá Mayer, Phan đang hùng hồn thì cảnh sát mật thám ập đến bủa vây. Lý Tự Trọng đã bắn chết tên thanh tra mật thám Le Grand. Phan Bôi, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm bị bắt rồi bị đày đi Côn Đảo. Lý Tự Trọng lãnh án tử hình.

        Vào những năm bao cấp khốn khó, lâu lâu được nghe những chuyện xé rào của TPHCM, chúng tôi chỉ mong sao mọi việc sẽ hanh thông, sẽ tốt đẹp. Những năm đầu công cuộc đổi mới mỗi lần vào TPHCM, gặp Chủ tịch Hội đồng hương QN-ĐN ở TPHCM - nhà cách mạng lão thành Phan Triêm thường nhỏ nhẹ nói với tôi “Đi tham quan học tập nước ngoài là rất tốt, rất cần, nhưng cứ vào thành phố này tìm hiểu, học hỏi cũng có rất nhiều cái mới, nhiều bài học quý”.

Cùng tham gia bảo vệ cuộc diễn thuyết còn có Phan Nhụy (anh ruột Phan Bôi) và Tống Phước Phổ, một đảng viên Đảng thanh niên từ Quảng Nam vào Sài Gòn hoạt động và vô sản hóa trong vai phu kéo xe. Tống Phước Phổ thoát hiểm trở về quê nhà hoạt động. Sau này ông trở thành một soạn giả tuồng nổi tiếng, được giải thưởng Hồ Chí Minh.

Có thể kể thêm ở đây các tên tuổi Lê Quang Sung, Trần Kim Bảng, Nguyễn Như Hạnh, Hoàng Dư Khương, v.v...

Với cuộc chống Mỹ cứu nước vô cùng khốc liệt, đặc biệt ở Quảng Nam, nơi kẻ địch thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng cực kỳ thâm độc và man rợ rồi tiếp theo là cuộc chiến hủy diệt khủng khiếp người dân (cũng là người cách mạng), người QN-ĐN hành phương Nam, vào Sài Gòn. Đã xuất hiện nhiều xóm người Quảng ở Sài Gòn mà Ngã tư Bảy Hiền là một hiện tượng.

Từ một vùng quê ngoại ô chỉ có cao su và lúa, những người xứ Quảng đã biến nơi đây thành một làng nghề dệt với 90% là dân Quảng. Nơi đây có mấy ngàn cỗ máy, từng làm ra hàng chục triệu mét vải lụa, chiếm thị phần quan trọng của Sài Gòn và có sức cạnh tranh với các xưởng dệt của người Hoa và cả hàng nhập ngoại.

Trong dòng người Quảng chảy vào Sài Gòn những ngày ấy có Nguyễn Văn Trỗi. Giữa Sài thành anh học rồi làm thợ điện sau đó trở thành anh biệt động, đã có 9 phút làm nên lịch sử với chí khí lẫm liệt.

35 năm qua, ở khúc ruột miền Trung, chúng tôi luôn nghĩ về Sài Gòn - TPHCM, với những tình cảm đẹp. Tôi nhớ như in những ngày hè năm 1989, tháng 5 năm này QN-ĐN chịu một cơn bão lớn, nghịch mùa, thiệt hại không kể xiết. TPHCM đã có ngay bên chúng tôi chia sẻ cảm thông. Nhớ anh Tám Hanh, chị Duy Liên, chị luật sư Nguyễn Phước Đại, ai cũng nói TPHCM - Đà Nẵng chưa kết nghĩa mà đã như ruột thịt, các anh chị, bà con ngoài cần gì  cho chúng tôi biết, lo được chừng nào thành phố sẽ ráng.

Quên sao được tháng 10-2006, sau cơn bão Xangsane dữ ác, rất nhiều đoàn, đủ các cấp, các ngành, các tôn giáo, các đoàn thể của TPHCM đã đến ngay với Đà Nẵng tan hoang xơ xác...

Những ngày Đà Nẵng tưng bừng lễ hội mừng 35 năm giải phóng thành phố, trong đêm pháo hoa muôn màu rực rỡ, lung linh sông Hàn, nhớ về Sài Gòn - TPHCM, nhớ những lời ca hùng tráng. “Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng...”. Và, tôi lại thấy lòng hồi hộp với việc lai dắt những đốt hầm Thủ Thiêm. Từ nơi sâu kín của lòng mình, tôi vẫn mong Sài Gòn - TPHCM tôi hằng yêu mến sẽ không ngừng vươn lên lớn mạnh với những công trình...

Nguyễn Đình An

Tin cùng chuyên mục