Cần cân nhắc lợi ích số đông

Bộ NN-PTNT đang đề xuất phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu sữa lên nhiều lần, với lý do để khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trong nước. Thông tin này ngay lập tức đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng, việc tăng thuế chưa hẳn đã có lợi.

Hiện nay, lượng sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, gần 80% sữa nguyên liệu phải nhập khẩu. Như vậy, nếu tăng thuế nhập khẩu thì giá sữa thành phẩm sẽ tăng tương ứng. Mà giá sữa tăng cao thì cơ hội được uống sữa của người già, trẻ em sẽ càng giảm và gánh nặng chi phí chăm sóc xã hội vì thế sẽ càng lớn.

Trong khi theo các chuyên gia dinh dưỡng, hiện VN là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Thực tế vấn đề khó tiêu thụ sữa trong nước gần đây không phải do thuế mà là do melamine.

Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp sữa không bán được sản phẩm do người tiêu dùng không tin tưởng, lo ngại sữa có melamine. Ông Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cũng khẳng định: việc đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa của Bộ NT-PTNT sẽ là “bốc nhầm thuốc”.

Thiết nghĩ, đề nghị tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa cần được cân nhắc kỹ. Hãy thử so sánh tổng số lượng trẻ em và người lớn uống sữa hàng ngày với số người nuôi bò sữa hiện nay thì lợi ích về mặt xã hội của bên nào cần được quan tâm ở mức độ cao hơn? Chúng ta có nhiều cách hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa chứ không chỉ là giải pháp tăng thuế.

Việc tăng cường các chương trình hỗ trợ giống, giá mua thức ăn, thú y, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và công nghệ sẽ giúp người nông dân làm ra những sản phẩm có chất lượng, giảm được chi phí và có khả năng cạnh tranh với sữa nhập khẩu. Làm được như vậy người chăn nuôi cũng có lợi, người tiêu dùng cũng có lợi và thị trường sữa không bị xáo động lớn. 

NGỌC DIỆP (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục