Cần cơ chế nhập khẩu linh hoạt hơn

Đó là yêu cầu của các doanh nghiệp (DN), nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. 
Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được đưa về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 24-2-2021
Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được đưa về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 24-2-2021

Theo các DN, không nên xem vaccine Covid-19 là loại sản phẩm đặt biệt và chỉ có một số DN chỉ định mới được nhập khẩu. Thay vào đó, nên xem vaccine Covid-19 là loại hàng hóa có điều kiện và điều kiện đó là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận, khuyến cáo được dùng và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng.

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, đề xuất, Bộ Y tế chỉ cần quy định loại vaccine Covid-19 của những DN sản xuất cụ thể được phép nhập khẩu. Vấn đề còn lại, DN sẽ tìm cách tiếp cận và nhập khẩu. DN cũng sẽ có trách nhiệm chứng minh đủ tính pháp lý cho lô vaccine nhập khẩu đúng với loại mà Bộ Y tế đã quy định.

Thay vì thực hiện cơ chế chỉ định DN được phép nhập khẩu với nhiều thủ tục hành chính thẩm định phức tạp thì Bộ Y tế nên thực hiện cơ chế đồng chứng nhận. Theo đó, dựa trên những loại vaccine Covid-19 đã được WHO công nhận, Bộ Y tế thực hiện cơ chế đồng chứng nhận chất lượng, đồng thời cho phép nhập khẩu loại vaccine Covid-19 đó. Làm được vậy sẽ đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine cho cộng đồng, đặc biệt là giúp DN duy trì sản xuất khi công nhân của họ được tiêm chủng đầy đủ.

Tại TPHCM, hiện đang có 500/1.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN này có DN mẹ tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… - những quốc gia đang sản xuất vaccine và có lượng vaccine cung ứng dồi dào ra thị trường các nước. Bản thân DN mẹ mong muốn tự tìm mua vaccine tại nước họ và chuyển hỗ trợ cho các DN con đang sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, điều này chỉ có thể làm được khi cơ chế đồng chứng nhận được thực hiện. Còn với cơ chế “xin - cho” và “chỉ định đơn vị có chức năng nhập khẩu” như hiện nay thì việc cung ứng vaccine như trên không thể thực hiện được. Hệ quả là nhiều DN con của các DN nước ngoài đang có nguy cơ bị gián đoạn và bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo bà Lê Bích Loan, trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã nhận rất nhiều kiến nghị của DN nước ngoài đang hoạt động trong khu về việc cho phép DN mẹ của họ chuyển giao vaccine Covid-19 cho các DN con đang sản xuất tại Việt Nam.

Điển hình như Công ty Intel product Việt Nam, Công ty Jabill Việt Nam, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Nidec Sankyo Việt Nam… Những DN này có số lượng công nhân sản xuất rất lớn từ 1.000 đến hơn 10.000 công nhân. Và với việc phân bổ vaccine như hiện nay, thì rất lâu mới có thể đạt được yêu cầu miễn dịch cộng đồng, duy trì ổn định sản xuất. Các DN này có nguy cơ phải ngừng sản xuất, bị đánh bật ra khỏi chuỗi cung ứng hoặc phá sản là rất lớn.

Trước đó, 4 Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam là Dệt may, Điện tử, Da giày - Túi xách, Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ DN của hiệp hội mua vaccine Covid-19 từ nguồn cung tự tìm kiếm. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương đàm phán với các đối tác và tăng cường nguồn cung vaccine cho DN của hiệp hội.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho biết thêm, nhiều DN thành viên của các hiệp hội này đã phải ngưng sản xuất từ 15-7 do không thể đảm bảo quy định “3 tại chỗ”. Và các DN này chỉ có thể hoạt động trở lại nếu được phủ đủ vaccine cho công nhân. Tuy nhiên, với cơ chế nhập khẩu vaccine như hiện nay thì lượng vaccine nhập về rất hạn chế.

Thiết nghĩ, thời điểm này, Chính phủ và Bộ Y tế cần khơi thông điểm “nghẽn” thủ tục để có nguồn vaccine Covid-19 đủ để tiêm cho người dân, sớm tạo được miễn dịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục