Đồng bằng sông Cửu Long

Cần có chương trình dành cho các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu

Cần có chương trình dành cho các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu

Cuối tháng 10-2005, nước lũ đang rút chậm ở thượng nguồn ĐBSCL. Nông dân ở nhiều địa phương khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông – xuân 2005-2006. Đây là vụ sản xuất chính và là nguồn cung cấp gạo hàng hóa chủ lực cho chiến lược xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2006. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Sỹ Tân, Viện phó Viện Lúa ĐBSCL, xung quanh những giải pháp trong sản xuất lúa đông-xuân.

- Thưa tiến sĩ, nông dân ĐBSCL đang quan tâm việc chọn những giống lúa chủ lực để sản xuất vụ đông-xuân...

Cần có chương trình dành cho các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu ảnh 1

Nông dân Thốt Nốt – Cần Thơ mua lúa giống tại Trạm Khuyến nông huyện, chuẩn bị vào vụ sản xuất lúa đông – xuân.

- Trước tiên tôi xin chia sẻ niềm vui được mùa, trúng giá cùng nông dân ĐBSCL. Nông dân đang phấn khởi bước vào vụ sản xuất lúa đông – xuân. Đây là vụ sản xuất chính, nguồn cung chủ lực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2006. Theo tôi, các giống lúa chủ lực mà nông dân cần chọn lựa để sản xuất là: OM 1490, OMCS 2000, OM 3242, OM 3536, OM 2517, OM 2717 và OM 2718. Đây là những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng cao, đạt chuẩn để xuất khẩu.

- Nhưng thưa tiến sĩ, chất lượng nguồn giống nông dân sử dụng còn rất hỗn tạp?

- Đó là vấn đề mà Viện Lúa ĐBSCL đang trăn trở. Hiện nay, có khoảng 30-35% nông dân ĐBSCL đã sử dụng các giống lúa xác nhận, tăng 10-15% so với năm 2004. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1/3 nông dân ở ĐBSCL có thói quen lấy lúa thịt làm lúa giống liên tiếp trong nhiều vụ, vì vậy lúa giống rất dễ bị lẫn tạp và thoái hóa, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo.

Bên cạnh chính sách trợ giá lúa giống mà một số điïa phương đã làm, cần có chính sách thu mua hợp lý đối với lúa sản xuất từ giống xác nhận để kích thích nông dân đi theo hướng sản xuất này.

- Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng cách chêch lệch năng suất giữa nông dân?

- Đúng vậy! Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến độ chêch lệch năng suất lúa. Trước đây, khoảng cách chêch lệch năng suất giữa nông dân có khi đến 1,5-2 tấn/ha (người làm năng suất đạt 7 tấn/ha, người chỉ đạt 5 tấn/ha). Hiện nay, khoảng cách này đã được rút ngắn xuống còn khoảng 1 - 1,5 tấn/ha. Nhiều điïa phương đang nỗ lực đưa các tiến bộ kỹ thuật như chương trình quản lý dịch hại, thâm canh tổng hợp, “3 giảm, 3 tăng”. Hy vọng, trong 1-2 năm tới khoảng cách chêch lệch năng suất này sẽ rút ngắn xuống dưới 1 tấn/ha.

- Theo tiến sĩ, chúng ta cần điều chỉnh gì để nâng cao vị trí xuất khẩu gạo của Việt Nam?

- Năm 2005, có thể nói là bước ngoặt quan trọng đánh dấu bước tiến trong xuất khẩu gạo Việt Nam. Đến cuối tháng 10-2005, số lượng xuất khẩu gạo hơn 4,6 triệu tấn, trong khi giá lúa ở vựa lúa ĐBSCL luôn trên mức 2.000đ/kg là một minh chứng sinh động cho bước tiến này.

Tuy nhiên, theo tôi, khâu thu mua lúa hàng hóa của nông dân hiện nay còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp vẫn chưa có chính sách, chiến lược thu gom nguồn nguyên liệu xuất khẩu hợp lý. Nhiều doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn: mua rất nhiều loại lúa – gạo giống khác nhau về “trộn xà bần” xuất khẩu.

Đây là một điểm yếu làm gạo xuất khẩu Việt Nam thua sút gạo Thái Lan. Chúng ta cần phân loại gạo theo một giống để xuất khẩu, giá trị sẽ được nâng lên. Muốn làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư từ hệ thống kho bãi đến dịch vụ thu mua lúa gạo hàng hóa.

Hiện nay, một vài doanh nghiệp đã thực hiện thu gom gạo theo một giống để xuất khẩu, chủ yếu là gạo giống Jasmine 85 và OM 3536. Tuy nhiên, số lượng này có thể đếm trên đầu ngón tay. Một vấn đề bức xúc hiện nay là 90% lúa gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đều mua qua tay thương lái. Trong khi thương lái mua lúa gạo thì chúng ta đã biết: 5-6 loại khác nhau trên một ghe.

Chúng ta cần có chương trình riêng dành cho các giống lúa chủ lực, chất lượng cao như Jasmine 85 và OM 3536. Các giống lúa này, cần được thu mua tách biệt riêng một loại để xuất khẩu. Đây là một trong những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của chúng ta.

Vấn đề này cần có sự liên kết theo mô hình “bốn nhà” để tác động. Song, cũng cần nhìn nhận mối liên kết “bốn nhà” thực hiện vừa qua còn rất nhiều lỏng lẻo. Cả nông dân và doanh nghiệp đều không mặn. Hay nói đúng hơn, là chúng ta chưa có sự ràng buộc trong ký kết hợp đồng bao tiêu hàng hóa nông sản.

- Xin cảm ơn tiến sĩ. 

CAO PHONG thực hiện 

Tin cùng chuyên mục