Thảo luận tại đoàn đại biểu TPHCM

Làm gì để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng?

Trong 2 buổi thảo luận tại đoàn (chiều 18-4 và sáng 19-4), các đại biểu TPHCM đã phát biểu rất sôi nổi. Tất cả đã có 30 ý kiến tập trung vào những vấn đề Đoàn Chủ tịch Đại hội gợi ý, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Làm gì để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng?

Trong 2 buổi thảo luận tại đoàn (chiều 18-4 và sáng 19-4), các đại biểu TPHCM đã phát biểu rất sôi nổi. Tất cả đã có 30 ý kiến tập trung vào những vấn đề Đoàn Chủ tịch Đại hội gợi ý, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.  

  • Không có mảng nào nói đến công tác chính trị tư tưởng
Làm gì để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng? ảnh 1

Chăm lo xây dựng đội ngũ kế thừa

Đại biểu Phan Thanh Bình, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM đặt vấn đề: Trong 5 năm tới, Đảng phải xác định lại cho rõ sự lãnh đạo nằm ở đâu? Quản lý nhà nước nằm ở đâu? Vai trò của các tổ chức trong mặt trận ra sao? Cách đặt vấn đề của Báo cáo chính trị còn chung chung, chưa “sắc”, chưa thật sự nêu được mấu chốt của vấn đề trong chế độ chúng ta hiện nay là như thế nào? 
 
Theo đại biểu Phan Thanh Bình, toàn Đảng và toàn xã hội đang rất kỳ vọng vào Đại hội Đảng lần này sẽ nghiêm khắc nhìn lại mình để khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên như thế nào. Đại hội Đảng lần này cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò của Ủy ban Kiểm tra Đảng, đặc biệt là cơ chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra như thế nào để thể hiện được tính nghiêm khắc trong nội bộ Đảng. “Đảng ta là Đảng cầm quyền, vì vậy, chúng ta không thể xuề xòa trong vấn đề này. Ban Tổ chức từ TƯ đến địa phương cần phải củng cố và làm mạnh hơn nữa”, ông Bình nói. 
 
Ông Bình cũng thẳng thắn: Trong Báo cáo Chính trị có đặt ra 10 mảng công tác nhưng không có mảng nào nói đến công tác chính trị tư tưởng! Phải chăng công tác chính trị tư tưởng đã đưa vào trong công tác xây dựng Đảng? Nhưng đưa vào ở phần nào? Bởi trong mảng này chủ yếu nói đến công tác xây dựng Đảng. Trong khi Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng đang hướng dẫn toàn dân xây dựng CNXH thì công tác chính trị tư tưởng phải như thế nào? Vì sao lý tưởng của người xưa rất sâu sắc còn bây giờ cứ nhàn nhạt. “Ngay chỗ này, tôi cho rằng, chúng ta phải làm rõ!” - đại biểu Phan Thanh Bình nhấn mạnh.  

  • Đoàn thể đông nhưng không mạnh

Một vấn đề rất quan trọng mà Nghị quyết lần này đã đề cập trong công tác xây dựng Đảng là chống bệnh hình thức. “Cái gì cũng muốn hoành tráng hết, cái gì cũng phải to lớn cả! Đoàn viên, hội viên phải kết nạp cho nhiều, phát triển cho mạnh. Nhưng chỉ là số lượng còn nội dung như thế nào thì không đặt ra” - đại biểu Nguyễn Văn Rảnh nói. Theo ông, nhiều nơi chỉ lo “năm nay kết nạp thêm bao nhiêu hội viên”, còn việc chăm lo lợi ích và quyền lợi chính đáng cho giới của mình, đoàn thể mình thì không để ý tới. Từ đó ông đặt vấn đề: Tổ chức như thế thì làm sao mà mạnh được, khi mà suốt ngày chỉ chạy theo hình thức và báo cáo? Nói một cách khái quát nhất, đoàn thể hiện nay đông nhưng không mạnh! Vì vậy, ngoài việc khắc phục căn bệnh hình thức, chúng ta phải cải tiến, đổi mới nội dung hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ sở.
 
 Xung quanh nhận định “nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị tê liệt” trong Báo cáo Chính trị, ông Rảnh lo ngại: Nhiều là thế nào? Con số đó cụ thể là bao nhiêu? Rồi ông lý giải: Một điều ai cũng thấy rất rõ là những sai phạm, tiêu cực hầu hết đều không bị phát hiện ở ngay chính tổ chức Đảng cơ sở đó, mà thông qua báo chí, hoặc các cơ quan chức năng khác, ở bên ngoài tổ chức Đảng cơ sở! Và sai phạm hầu hết là ở những tổ chức Đảng khối kinh tế! Vì sao ở đâu cũng có tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể mà không phát hiện ra sai phạm, tiêu cực ở cơ sở mình? Theo ông, nếu nói bị tê liệt thì cần nói rõ là ở đâu, khu vực nào để tập trung, đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng Đảng ở đó. Chứ nếu nói là tê liệt hết các tổ chức Đảng cơ sở là không chính xác!. Trong nhiệm kỳ tới, Đại hội cần nói rõ hơn nữa công tác xây dựng Đảng ở những lĩnh vực nhạy cảm, nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Để làm tốt được vấn đề này, nên đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tham gia giám sát của tổ chức Đảng và các tổ chức Đoàn thể ở cơ sở. 

  • Hụt hẫng về cán bộ - vì sao?

Đại biểu Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đặt vấn đề: Tại sao chúng ta lại hụt hẫng cán bộ? Rồi bà trả lời: Đấy là do chúng ta chứ không phải tại ai cả. Do tư duy của mình ở một số lĩnh vực rất chậm đổi mới; do cách tổ chức thực hiện; do cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực. Chúng ta nên có thêm một bài học về cán bộ chăng? Hay là chúng ta coi đó là bài học nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện nền dân chủ, nâng cao quyền lực của nhân dân và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ?!
 
 Bà Thảo cho rằng, cán bộ phải năng xuống cơ sở, phải trực tiếp nghe tiếng nói của người dân, càng đối thoại càng tốt vì quần chúng sẽ dạy ta rất nhiều điều. Cán bộ phải gắn việc học hành, rèn luyện với thực tiễn, gắn với quần chúng nhân dân. Cần coi trọng tính Đảng, tính quần chúng, tính chuyên nghiệp của cán bộ trong thời kỳ mới. Để bảo đảm cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, trong thời kỳ hội nhập phát triển, cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ.
 
 Theo đại biểu Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch MTTQ TPHCM, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua rất yếu kém, nhất là vấn đề cán bộ, gây bức xúc cho cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm kỳ này, Đảng phải khắc phục những hạn chế về công tác cán bộ để lấy lại lòng tin của nhân dân. Phải ưu tiên bổ nhiệm những cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực, tránh việc bổ nhiệm cán bộ vì quan hệ gia đình, quan hệ cá nhân để khi có sai phạm lại có sự bao che, dung túng như đã xảy ra. “Muốn vậy, Đảng cần có cơ chế tuyển chọn cán bộ để lựa chọn được những cán bộ tốt như mong mỏi của nhân dân. Nên chăng thành lập một cơ quan chuyên về tuyển chọn cán bộ, để khắc phục hoàn toàn tình trạng cán bộ rất thừa nhưng cũng rất thiếu và có sai phạm?” - bà Dung nói  

NHÓM PV

 Đồng chí Phan Xuân Biên, Trưởng ban TT-VH Thành ủy TPHCM:

Đối với vấn đề diễn đạt bản chất của Đảng, nên giữ nguyên như điều lệ đã được thông qua tại Đại hội IX: Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Ở đây cần hiểu đội tiên phong là thế nào? Tiên phong nói về hệ tư tưởng, chỉ có giai cấp công nhân trong xã hội hiện đại mới có hệ tư tưởng tiên tiến. Ở đây cũng thể hiện giải quyết hài hòa nhuần nhuyễn giữa vấn đề giai cấp và dân tộc.

Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp, mục tiêu là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động để xây dựng một xã hội không có người bóc lột người, xã hội được độc lập, đất nước được giàu mạnh, một xã hội dân chủ, văn minh, xã hội XHCN. Đảng luôn vì lợi ích của nhân dân lao động, của cả dân tộc, nên nhân dân ta gọi là Đảng của cả dân tộc. Tôi nghĩ rằng diễn đạt theo định hướng là đúng về bản chất của Đảng, đúng với thực tiễn, đúng với tình cảm của xã hội và của cả dân tộc.

Đồng chí Phan Thanh Bình, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:

Chúng ta cũng phải mạnh dạn nhìn nhận lại mọi vấn đề. Vì sao chúng ta có một hệ thống Đảng như vậy, có Ủy ban Kiểm tra, có Ban Tổ chức, có Thanh tra… nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Không thể nào nói là tôi không biết chuyện gì cả! Ví dụ chuyện về ông Nguyễn Việt Tiến có một “bữa tiệc chân dài”, tưới bia lên người các cô gái rồi múc uống. Chắc chắn rằng, một bữa tiệc như vậy phải có nhiều người. Tổ chức Đảng không thể không biết vấn đề này. Nhưng vì sao mãi đến 4 năm sau, khi ông Nguyễn Việt Tiến bị bắt thì báo chí mới công bố? Nếu ngay từ khi bổ nhiệm, tổ chức Đảng đưa vấn đề này ra, thì mọi chuyện đã khác đi rất nhiều.

Trong vấn đề kỷ luật Đảng, có nhiều đồng chí khi không làm tròn nhiệm vụ thì lại được chuyển sang công tác khác, và đôi khi công tác mới này lại có vị trí, chức quyền cao hơn cũ. Chính điều đó làm cho uy tín của Đảng ta bị giảm sút.

Trong thời gian tới cần phải làm một cách hết sức nghiêm túc công tác kiểm tra và tổ chức để đảm bảo được vai trò lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng!

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM:

Để có thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần công nhận quyền giám sát của dân đối với Đảng. Tức là phải có cơ chế để Đảng có trách nhiệm lắng nghe dân (từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ thực hiện cơ chế dân nghe Đảng, làm theo Đảng), tiếp thu ý kiến của dân.

Tin cùng chuyên mục