Cần có quy hoạch tổng thể Hoàng thành Thăng Long

Đầu tháng 11 vừa qua, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành (Bộ Xây dựng) đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích khu Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở phạm vi một đề tài nghiên cứu khoa học song đây được coi là bản quy hoạch mang tính tổng thể đầu tiên về khu vực này.Xác định tâm điểm
Cần có quy hoạch tổng thể Hoàng thành Thăng Long

Đầu tháng 11 vừa qua, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành (Bộ Xây dựng) đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị di tích khu Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” do Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở phạm vi một đề tài nghiên cứu khoa học song đây được coi là bản quy hoạch mang tính tổng thể đầu tiên về khu vực này.

Xác định tâm điểm

Năm 2003, khi khai quật khu Ba Đình để tiến tới việc xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới), thì những vấn đề về bảo tồn di tích Hoàng Thành đã thực sự trở nên nóng bỏng. Gần 14.000m² được khai quật đã đánh thức và làm thay đổi một số quan niệm trong lĩnh vực sử học về Thăng Long trong lịch sử. Thông qua hệ thống mặt bằng kiến trúc của di tích bao gồm nền nhà, chân tảng đá, trụ móng, giếng nước… có thể bước đầu nhận diện về quy mô và diện mạo của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long. Nơi được xem là “Cấm thành” của nước Việt, trong một thời gian dài qua các triều đại Lý - Trần - Lê.

KTS Vũ Đình Thành cho biết, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có công bố khoa học nào chỉ ra chính xác tuyệt đối quy mô, giới hạn của Kinh thành và Hoàng thành Thăng Long qua các thời Lý - Trần - Lê, nhưng may mắn là dấu tích thành Hà Nội thời Nguyễn còn rất rõ, thể hiện cụ thể bằng các kiến trúc hiện đang tồn tại trên mặt đất.

Dựa trên bản vẽ quy hoạch thành Hà Nội trong các bản đồ thời Pháp thuộc, nhóm thực hiện đề tài đã khoanh vùng phạm vi nghiên cứu giới hạn bởi đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phùng Hưng và Trần Phú. Khu vực quan trọng nhất mà đề tài tập trung nghiên cứu là trục trung tâm, hay còn gọi là trục hành lễ từ Cột cờ Hà Nội qua Đoan Môn, điện Kính Thiên cho tới Bắc Môn và khu di tích 18 Hoàng Diệu. Khu vực Thành cổ Hà Nội được xem là trục chính, tâm điểm của những công trình liên quan.

Theo các nhà khoa học, bất cứ quy hoạch nào cho khu vực này, cũng phải lấy đó làm tâm điểm. Bởi nếu tách rời ra, hoặc không xem đó là trục trung tâm, thì không thể “dựng lại” được diện mạo của khu vực được xem là “thâm nghiêm” nhất của Thăng Long – Hà Nội trong cả ngàn năm qua.

Cửa phía Bắc của Thành cổ Hà Nội trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: T.BÌNH

Cửa phía Bắc của Thành cổ Hà Nội trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: T.BÌNH

Tìm lại không gian xanh cho di tích

Cũng theo KTS Vũ Đình Thành, ngoài trục trung tâm của Hoàng thành nhóm nghiên cứu mở rộng khu vực khảo sát đến đường Hùng Vương và đường Phùng Hưng. Theo đó, khu vực phía Tây hiện là khu vực các cơ quan của Đảng, Chính phủ và một số đại sứ quán, là khu phố được quy hoạch xây dựng từ thời Pháp với rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, có bản sắc về không gian đô thị. Do vậy cần bảo tồn nguyên gốc khu vực này song song với việc trùng tu các công trình đã bị thay đổi; loại bỏ các công trình “cơi nới”, xây xen để trả lại các không gian trước đây vốn là khu cây xanh sân vườn đã được đưa ra.

“Có thể sẽ phải tính đến việc dỡ bỏ các công trình không có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc đang ảnh hưởng đến không gian cảnh quan của di tích. Nhưng trước khi phá bỏ, cần phải lập hồ sơ khoa học, vẽ ghi, lập hồ sơ ảnh, tư liệu phim, lý lịch hiện trạng các công trình đó” - KTS Vũ Đình Thành nhấn mạnh.

Có nhiều phương án đưa ra như bảo tồn nguyên trạng tại một số hố khảo cổ quan trọng dưới dạng bảo tàng tại chỗ, các khu vực bảo tồn dưới dạng hầm kính, khu vực khác sẽ tạm thời lấp cát trồng cỏ. Hướng nghiên cứu bảo tồn trưng bày dưới dạng bán lộ thiên tại một số điểm cũng đã được đưa ra tuy nhiên giải pháp này thường khá phức tạp về kỹ thuật và chi phí thực hiện, bảo quản trong quá trình sử dụng.

Ngoài việc bổ sung thêm hệ thống cây xanh, cũng có đề xuất, kết nối khu vực thành cổ và khu vực khảo cổ học để hình thành một “Công viên văn hóa lịch sử”. Ý kiến này cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ bởi khu vực này tập trung rất nhiều điểm tham quan ngoài khu vực Hoàng thành, như: Nhà Quốc hội, Khu di tích Hồ Chủ tịch, Đài tưởng niệm, chùa Một Cột... Thêm một công viên văn hóa lịch sử tại đây sẽ làm giàu thêm giá trị du lịch, văn hóa.

Sau 2 năm nghiên cứu, đề tài khoa học đầu tiên về việc quy hoạch, bảo tồn tổng thể khu vực Hoàng thành Thăng Long đã được Hội đồng khoa học cấp bộ đánh giá cao. Song từ nghiên cứu tới thực tế vẫn còn một khoảng cách dài cần được tiếp tục rút ngắn lại. Vì thế, theo KTS Vũ Đình Thành với nền tảng từ nghiên cứu đã có, cần đầu tư nhiều thời gian, nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn nữa về khu vực này trước khi được ra một bản quy hoạch chi tiết cho khu vực này. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục