Đây Thăng Long- Đây Hà Nội

Đây Thăng Long- Đây Hà Nội

Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà Nội”. Sao lời ca của bài hát ấy lại đúng và lay động lòng người làm vậy! Hà Nội còn biết bao điệu nhạc, lời ca cứ khiến lòng người rộn ràng. Lạ thay, một vùng đất thật sâu lắng và thăng hoa trong tâm thức mỗi người con đất Việt dù cho có đi đâu, về đâu.

Hôm nay đây, đứng trên đỉnh cao của 1.000 năm từ thuở định đô nhìn lại và dõi mắt xa về tương lai đang cùng dân tộc rưng rưng giọt lệ mừng vui đây Thăng Long, đây Hà Nội. Xưa, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ đã viết về đất Đại La: “Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Và lịch sử khách quan đã minh chứng tầm nhìn thấu suốt của vị vua khai sáng cho các triều đại phong kiến hùng mạnh Việt Nam. Ngàn năm đã qua, trên mỗi thước đất của Hà Nội hôm nay đều nghe âm vang hồn sông núi vọng về; đều tầng tầng lớp lớp ngút tận trời xanh khí phách của một dân tộc từng đuổi giặc Tống, ba lần đánh tan quân Nguyên, diệt giặc Minh và khiến giặc Thanh thây chất cao như núi, tháo chạy giẫm đạp lên nhau đứt cầu rơi xuống dòng sông Hồng ngầu sóng của sự căm phẫn...

Thời chưa xa, Hà Nội lại chứng kiến tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rời khỏi cầu Long Biên; rồi Hà Nội một thời đạn bom, một thời khói lửa khi mũ rơm mà ngẩng cao đầu nhìn những chiếc B52 rơi như sung trong vùng trời thủ đô.

Vẫn sừng sững đó ngọn bút khổng lồ danh nhân Nguyễn Siêu - một người Hà Nội cho tạc vào trời xanh dòng chữ “Tả thiên thanh” bên hồ Gươm. Vẫn hồ Lục Thủy cách đây gần 600 năm vua Lê Lợi duyệt thủy quân và trả lại gươm thần, những ngày này tưng bừng cờ hoa, lộng lẫy ánh đèn tỏa bóng Tháp Rùa lung linh. Rồi cầu Thê Húc như dải lụa đỏ, như chiếc lược son vắt mình vào đền Ngọc Sơn. Lịch sử ngàn năm nơi đất đế đô đang thức dậy trong những ngày kinh đô tròn tuổi ngàn.

Có điều lý thú, Hà Nội đang tổ chức triển lãm tranh và ảnh về 5 vùng đất từng là kinh đô xưa - nay: Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa (kinh đô nhà Hồ), Huế. Từ ấy mà ngẫm ra nhãn tuệ của đức vua Lý Thái Tổ thật thấu cùng trời đất. Thăng Long là đất rồng bay thì cho dù đất khác có linh khí bao nhiêu cũng theo về đây mà tụ hội, rồi tỏa lan đi bốn phương trời. Thăng Long đã sống trong lòng dân nên mãi mãi không bao giờ phai. Chẳng phải đó sao, Từ thủa mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long, đã nói đúng tâm nguyện những người con đất Việt.

Ảnh: AN DUNG

Ảnh: AN DUNG

Trời Hà Nội vào thu cao xanh vời vợi, nắng vàng rực rỡ tỏa chiếu một không gian địa lý Hà Nội hôm nay rộng, xa gấp hơn ba lần khi trước. Hơn 6 triệu người dân Hà Nội từ người gốc 36 phố phường đến người mạn xa tít tắp xứ Đoài xưa, cùng cả nước đang hòa chung nhịp đập hướng về thủ đô. Thoảng mùi lan trong không gian hương hoa sữa nồng nàn những ngả đường trung tâm thủ đô. Và cái mùi hương rất đặc trưng, rất riêng ấy của Hà Nội lại như đang vương vấn đâu đây kỳ ảo, lung linh sắc đèn trang hoàng ngày đại lễ. Đi trên đường phố Hà Nội hôm nay, cái cảm giác lâng lâng, náo nức cứ thường trực trong ta. Phố vẫn phố ấy, đường vẫn đường ấy mà ngỡ lạ, mà như đang lạc trong muôn sắc cờ hoa.

Điểm vài sự kiện, con số để thấy rằng cả nước dồn tâm sức về chốn cội nguồn, vinh danh tiên tổ ngày tròn tuổi ngàn. Tác phẩm Chiếu dời đô được thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp, mạ vàng trên khung gỗ quý tự nhiên, với kích thước 458cm x 385cm, nặng gần 5 tấn; mặt trước là chữ Hán, mặt sau bằng chữ Việt và Anh được rước từ kinh đô xưa - Hoa Lư (Ninh Bình) để kịp dâng trong ngày khai mạc tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành trong ngày 10-10 tại quảng trường Ba Đình với hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội và công an cùng quần chúng nhân dân thủ đô. Cũng tối 10-10, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, 40.000 người cùng tham dự đêm hội văn hóa nghệ thuật lớn nhất từ trước đến nay. 78 đoàn khách quốc tế và 18 đoàn nghệ thuật của các quốc gia được mời tham dự đại lễ của chúng ta. Đặc biệt, 102 trống đồng do các nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn, Thanh Hóa thực hiện dâng đại lễ đã trưng bày trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn nhiều, nhiều lắm các nơi, các ngành với hàng ngàn vật phẩm đặc trưng, độc đáo được kỳ khu sáng tạo dâng ngày đại lễ...

Hà Nội ơi, Thăng Long yêu dấu tự ngàn xưa không chỉ riêng chúng ta náo nức, hân hoan trong ngày hội 1.000 năm. Bạn ta, những con người mãi tận trời Âu, Úc, Mỹ... cũng cảm nhận cùng ta như Mark Lacey và Julie Lacey (quản lý văn phòng, đến từ Luân Đôn, Anh), Rigal Bruno (chuyên gia tài chính Pháp): “Lần đầu đến Hà Nội, chúng tôi rất ấn tượng. Âm nhạc khắp nơi. Chúng tôi thích thú với lối trang trí bằng hệ thống ánh sáng và đèn nhấp nháy”. Hay Nick và Marita Rodiation (giáo viên người Úc): “Hà Nội về đêm có vẻ đẹp thật riêng biệt. Hà Nội còn ẩn chứa những điều kỳ thú, xứng tầm lịch sử nghìn năm. Điều đó thể hiện qua mỗi di tích, mỗi đường phố, ngôi nhà cổ...”.

Đại lễ 1.000 năm để có một ngày rồi cũng qua đi, nhưng những hình ảnh đẹp đẽ, ấn tượng mà con cháu hôm nay dâng lên tiên tổ sẽ mãi trở thành những ký ức tốt đẹp trong lòng người. Và hẳn nhiên là thế! Ký ức của một dân tộc là lẽ sống, là những giá trị văn hóa, văn hiến cho muôn đời.

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục