Ngọn đuốc không bao giờ tắt

Câu nói của bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO - tại lễ khai mạc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội ngày 1-10 đã để lại những dư âm và suy nghĩ không riêng đối với chúng ta mà có lẽ là cho cả thế giới: “Rất ít nước trên thế giới có thể giữ được ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một về thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn”.
Ngọn đuốc không bao giờ tắt

Câu nói của bà Irina Bokova - Tổng giám đốc UNESCO - tại lễ khai mạc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội ngày 1-10 đã để lại những dư âm và suy nghĩ không riêng đối với chúng ta mà có lẽ là cho cả thế giới: “Rất ít nước trên thế giới có thể giữ được ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một về thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn”.

Lời của bà Irina Bokova có thể tạm diễn giải là: Tôi thật ngưỡng mộ các bạn, vì không phải quốc gia nào trên thế giới cũng tổ chức được lễ kỷ niệm 1.000 năm thành lập thủ đô của mình, nhưng người Việt Nam các bạn lại làm được.

Theo bà Irina Bokova, việc tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội chính là để “thể hiện sự kính trọng sâu sắc của người Việt Nam với tổ tiên, những người có công dựng nước và giữ nước. Sự có mặt của người dân trong đại lễ hôm nay là minh chứng cho sự gắn bó của các bạn với quá khứ huy hoàng, và xem đó như là ngọn đuốc để soi đường cho tương lai”.

Lời cảm tưởng của người đứng đầu tổ chức văn hóa giáo dục thế giới thật là tinh tế, mẫn cảm khi nhận ra ngay sự đặc biệt và đáng ngưỡng mộ của những con người Việt Nam.  

Ký ức đã trở thành truyền thống lâu đời trong tâm hồn người Việt, đã trở thành tính cách của con người Việt, mà tự xửa xưa cha ông chúng ta đã dạy rằng, ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước phải nhớ lấy nguồn… Những ký ức đó chính là truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên trong mỗi gia đình, dòng họ. Và chung cho tất cả các gia đình, dòng họ là ký ức về tổ tiên của cả dân tộc Việt, là mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Đó còn là ký ức về những người đã có công dựng nên nước Việt, mà cứ hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, cả triệu triệu con tim lại cùng hướng về đất Tổ, tưởng nhớ các vua Hùng. Là ký ức về các chiến công lịch sử. Là đời đời ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ có công giữ nước, mang lại độc lập tự do, mở ra một thời đại mới cho toàn dân tộc.

Do đó, tổ chức đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm thủ đô tròn 1.000 tuổi cũng như các lễ lớn trong cả nước, không phải là để tạo một sân chơi văn hóa mà là để thắp lên trong tâm hồn người dân Việt về một bề dày dựng đô dựng nước, giữ đô giữ nước, niềm tự hào về truyền thống hào hùng, ngàn năm văn hiến và nhắc nhở các thế hệ hôm nay phải luôn nhớ về cội nguồn dân tộc của mình. Yêu thủ đô của nước mình, chính là yêu đất nước mình. Thủ đô của một đất nước chính là biểu trưng về chủ quyền của một quốc gia, dân tộc! Mà Hà Nội là ngôi sao trên bản đồ hình chữ “S”, là biểu tượng thiêng liêng của một quốc gia độc lập, tự do.

Tất cả chúng ta, không ai có thể sống được một ngàn năm nữa, nhưng chúng ta đều tin tưởng rằng, nhờ ngọn đuốc soi đường ấy, sau đúng một ngàn năm nữa, Hà Nội sẽ có kỷ niệm 2.000 năm, rồi lại 3.000 năm tuổi... Truyền thống lịch sử, đạo lý uống nước nhớ nguồn sẽ là ngọn đuốc soi đường không bao giờ có thể tắt

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục