Hôm nay, ngàn năm hội tụ đất rồng thiêng

Thời khắc lịch sử 1.000 năm
Hôm nay, ngàn năm hội tụ đất rồng thiêng

Thời khắc lịch sử 1.000 năm

Ngày 9-10, tại sân vận động Mỹ Đình, công nhân kỹ thuật kiểm tra tỉ mỉ và kỹ lưỡng những khớp nối trên sân khấu chính, trên khán đài. Tại các trung tâm biểu diễn nghệ thuật ngoài trời quanh hồ Gươm, sân khấu được chỉnh trang thêm. Đường phố, công viên, vườn hoa... tất cả đã hoàn tất để bước vào ngày lễ chính hôm nay.

  • Phố phường đón chào ngày hội ngàn năm

Hôm nay, Hà Nội vào chính hội. Dù đã 9 ngày diễn ra các hoạt động của đại lễ, nhưng để chuẩn bị cho một ngày chính hội hoành tráng nhất, trọn vẹn nhất, trong vài ngày qua công tác chuẩn bị diễn ra rất khẩn trương trên địa bàn toàn thành phố.

Một ngày trước khi bước vào chính hội, công tác chỉnh trang đường phố, các công viên, vườn hoa, bùng binh ở Hà Nội vẫn tiếp diễn. Cây cảnh, hoa tươi trưng bày thành các đại cảnh, tiểu cảnh ở những khu công cộng, trên đường phố bị tác động bởi nắng và gió đã được chỉnh sửa, thay thế. Trong những ngày diễn ra đại lễ, do phân luồng hợp lý nên tình hình giao thông đỡ căng thẳng. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi lưu thông trên đường vắng bóng xe tải. Trên địa bàn nhiều quận - huyện, không khí chuẩn bị đón ngày chính hội diễn ra khá sôi nổi. Tại quận Hà Đông, 100 hội viên Hội Hoa lan của quận này đã treo và bày 1.000 giò - chậu lan cùng 100 lồng chim để mừng thủ đô ngàn tuổi.

3 địa điểm quan trọng nhất sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành và đêm hội nghệ thuật mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào hôm nay là sân vận động Mỹ Đình, Quảng trường Ba Đình, hồ Gươm cũng đã được trang hoàng lộng lẫy. Tại Quảng trường Ba Đình, nơi sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành, Chiếu dời đô đã được dựng lên, gây sự chú ý đặc biệt của người dân. Toàn bộ khu vực Quảng trường Ba Đình, đường Hùng Vương, Tượng đài Bắc Sơn… được trang hoàng đẫm màu sắc đại lễ, tạo điểm nhấn đặc biệt trong ngày chính hội.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ bắn 21 phát đại bác theo tiếng nhạc Quốc ca trong đại lễ sáng 10-10, 15 khẩu pháo của Lữ đoàn Pháo 45 đã được chăm sóc đến từng chi tiết và đã vào vị trí xếp ngay hàng thẳng lối. Phân đội 93, Binh chủng Công binh cũng đã thực hiện xong nhiệm vụ được giao phục vụ đại lễ tại Quảng trường Ba Đình, đồng thời ứng trực sẵn sàng xử lý các tình huống liên quan. Người Hà Nội, người dân Việt Nam, đồng bào ta ở nước ngoài và du khách quốc tế đến Hà Nội dịp này đang háo hức chờ đón thời khắc quan trọng nhất của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đêm tổng duyệt chuẩn bị đại lễ. Ảnh: HỒNG VINH

Đêm tổng duyệt chuẩn bị đại lễ. Ảnh: HỒNG VINH

  • Ấn tượng sâu sắc 

Từ 3 giờ chiều 9-10, lực lượng an ninh đã khoanh vùng khu vực, tạo thêm nhiều con đường cho người đi bộ và cũng là để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành quy mô nhất lịch sử. Lễ diễu binh, diễu hành sẽ có sự tham gia của 31.000 người, trong đó riêng khối diễu binh hơn 12.000 người là lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, được chia làm 16 khối. Số còn lại là khối diễu hành và quần chúng nhân dân tham dự trực tiếp tại khu vực Quảng trường Ba Đình. Đúng 7 giờ 55 phút ngày 10-10, ngọn lửa được lấy từ Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ thắp lên đài lửa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đó là lễ chào cờ và cùng thời điểm này sẽ bắn 21 loạt đại bác chào mừng đánh dấu một sự kiện trọng đại của đất nước.

Cùng bộ phận diễu binh, lực lượng tham gia diễu hành cũng đã có những tháng ngày tập luyện nghiêm túc cùng với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội. Sau khi diễu binh, diễu hành qua khu vực lễ đài, các khối sẽ được chia làm hai để diễu hành dọc theo các con phố Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Kim Mã… sau đó trở về hai điểm tập kết là khu vực Nhà hát lớn và khách sạn Deawoo.

Vinh dự dẫn đầu phi đội bay diễu hành mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc qua khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử tại đại lễ là một người con dân tộc Tày ở thủ đô gió ngàn - Thái Nguyên. Đó là Thượng tá Lương Văn Lâm, Phó Trung đoàn phụ trách huấn luyện bay Trung đoàn C16, Sư đoàn B71, phi đội trưởng phi đội bay diễu hành mừng đại lễ. Anh là người đã ba lần được lái máy bay qua Quảng trường Ba Đình trong những dịp lễ trọng đại của đất nước. Anh cho biết, để chuẩn bị cho đội hình mũi tên 10 chiếc trực thăng loại MI 8, MI 17 và MI 171, các phi công đã phải tập luyện mỗi ngày 2 giờ trong suốt 3 tháng qua.

Để được bay qua Quảng trường Ba Đình trong dịp này, phi công “ít kinh nghiệm nhất” cũng đã trải qua 800 giờ bay an toàn. Người nhiều nhất như anh - lên đến 3.000 giờ bay an toàn. Phải như vậy đội hình mới phối hợp ăn ý, bay thành công dọc đường Hùng Vương, qua Quảng trường Ba Đình trong thời gian một phút.

  • Trở về nguồn cội

Một ngày trước khi diễn ra đêm nghệ thuật đặc biệt mang tên “Thăng Long - Thành phố rồng bay” tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình tối 10-10, trái ngược với bầu không khí rộn ràng của phố phường Hà Nội trong ngày hội lớn, nơi đây hàng trăm người vẫn lặng lẽ làm việc. Những công nhân kỹ thuật lúi húi kiểm tra tỉ mỉ những khớp ráp nối trên sân khấu chính, phía trên khán đài, bộ phận lao công đang hối hả thu dọn những giấy rác mới xuất hiện trong buổi tập luyện hôm trước, tất cả đang chạy đua với thời gian từng giờ từng phút để sẵn sàng mở cửa đón hàng vạn người dân của thủ đô Hà Nội và cả nước tụ hội về đây trong đêm nghệ thuật đặc biệt này.

Hệ thống giao thông ở thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: HỒNG VĨNH

Hệ thống giao thông ở thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: HỒNG VĨNH

Trước đó 4 ngày, hàng ngàn người đã có mặt tại đây để cùng tận hưởng những giây phút thăng hoa đến sớm của đêm tổng duyệt chương trình “Thăng Long - Thành phố rồng bay”. Không giấu nổi sự hồi hộp, xúc động, nhạc sĩ Trọng Đài, người nắm giữ vai trò tổng đạo diễn của đêm nghệ thuật đặc biệt này cho biết, phần mở đầu với tên gọi “Quyết định trọng đại” là cuộc hôn nhân giữa cha Rồng - mẹ Tiên để từ đó sinh ra 54 dân tộc anh em. Và cũng từ đó, cả dân tộc Việt Nam cùng đoàn kết vượt qua bao sóng gió. Cùng sát cánh bên nhau làm nên một Bạch Đằng Giang lịch sử, 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, cùng nhau quét sạch 29 vạn quân Thanh ngay trước cửa ngõ thủ đô…

Điều thú vị, tất cả những trận chiến nổi tiếng lịch sử đều được thể hiện qua ngôn ngữ sân khấu, qua các màn đồng diễn với sự tham gia của hàng ngàn diễn viên, lúc miêu tả cánh đồng lúa thanh bình, lúc là những đợt sóng trào dâng, khi lại thể hiện không khí thiền của non thiêng Yên Tử, rồi những đợt sóng người trong phút chốc lại biến thành những vườn đào Nhật Tân tươi thắm. Tính ước lệ trong câu chuyện lịch sử ngàn năm của dân tộc sẽ được hiện thực hóa bởi những áng thiên cổ hùng văn Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu...

Chương trình này không có MC dẫn dắt như các chương trình nghệ thuật thông thường. Phần hai mang tên “Hào khí đất thiêng, tinh hoa ngàn năm văn hiến” sẽ tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để rồi từ đó, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với thù trong giặc ngoài. Nhưng vẫn với tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, một lần nữa, dân tộc của chúng ta lại ngẩng cao đầu với khúc ca khải hoàn. Đây là lần đầu tiên, 100 chiếc trống đồng được đưa vào sử dụng như một nhạc cụ âm nhạc. Âm thanh rộn rã của trống đồng đưa người xem trở về với cội nguồn dân tộc, với quá khứ Đông Sơn rạng rỡ.

Chương trình sẽ khép lại với những thông điệp về một thành phố hòa bình với màn kết là bản hợp xướng “Bài ca tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội” trong ánh pháo hoa lung linh, rực rỡ trên bầu trời đêm Hà Nội. 8.000 nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo quần chúng nhân dân đã ra sức tập luyện để cùng nhau kể lại câu chuyện lịch sử, một trang vàng vẻ vang của dân tộc trong ngày đại lễ.

L.NGUYÊN – V.XUÂN


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, sáng 9-10, đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự lễ viếng có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm. Tham dự lễ viếng còn có các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cùng các vị lão thành cách mạng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: MINH ĐIỀN

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh Ảnh: MINH ĐIỀN

Sau đó, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Cũng trong sáng 9-10, đoàn đại biểu Thành ủy, UBND và MTTQ TP Hà Nội, đoàn đại biểu 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, đoàn đại biểu 1.000 Mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng Việt Nam các thời kỳ, đoàn đại biểu kiều bào, các đoàn khách nước ngoài đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

TR.BÌNH


Chiêu đãi trọng thể chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

 * Trao tặng thủ đô Hà Nội Huân chương Vàng quốc gia của CHDCND Lào

Tối 9-10, buổi chiêu đãi chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã tham dự. 

 Dự chiêu đãi còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; đại diện các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh; Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang; đại diện kiều bào, các nhân sĩ, trí thức; các vị đại sứ, đại diện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. 

 Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quốc tế cùng toàn thể các vị đại biểu khách mời đã tới dự buổi chiêu đãi trọng thể chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một sự kiện trọng đại và rất tự hào của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nhân Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 9-10, tại trụ sở UBND TP Hà Nội đã diễn ra lễ trao tặng Huân chương Vàng quốc gia, huân chương cao quý nhất của nước CHDCND Lào cho thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam nói chung và giữa hai thủ đô Viêng Chăn - Hà Nội nói riêng. Tới dự buổi lễ có các đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Nhân dịp này, lãnh đạo TP Hà Nội đã trao tặng các bạn Lào món quà tặng ý nghĩa là mô hình rồng vàng thời Lý, biểu tượng gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa - Hà Nội nay.

T.T.X.

Thông tin liên quan

>> Phân luồng giao thông phục vụ đại lễ
>> Nơi tỏa sáng nền văn minh - văn hiến Đại Việt - Việt Nam
>> Vững thế rồng bay
>> Người Việt xa xứ hướng về đại lễ

Tin cùng chuyên mục