Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Trôi trong ký ức

Trôi trong ký ức

Đêm tháng mười, tôi trôi theo dòng người từ hồ Hoàn Kiếm về tượng đài Lý Thái Tổ. Có thể nói, trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, từ khi Đức vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô, mảnh đất linh thiêng này mới có những ngày hội như thế. Hậu duệ của con Rồng, cháu Tiên từ khắp nơi đổ về đây. Tôi có cảm giác như chưa bao giờ người ta lại cần đến cội nguồn, Tổ quốc như vậy. Tổ quốc không phải là cái gì cao xa mà gần gũi lắm. Một nét mờ sương phảng phất trên những vòm cây bên hồ Hoàn Kiếm, những tiếng chuông chùa như những giọt sương tí tách rơi trên lá sen từ chùa Trấn Quốc và cả hương cốm, hương hoa sữa nữa cũng gợi cho ta bao cảm xúc…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM trước tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM trước tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Ảnh: VIỆT DŨNG

MỘT

Tôi vừa có dịp thăm mảnh đất thiêng mà cách đây đúng một ngàn năm, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn đã ban Chiếu dời đô. Đó là mảnh đất Hoa Lư địa linh nhân kiệt. Không biết anh Trường, chị Lan, chủ đầu tư của công trình đồ sộ này nhận sứ mệnh từ bao giờ mà khu quần thể văn hóa tâm linh Tràng An, Bái Đính với nhiều công trình độc đáo mọc lên nhanh như có phép nhiệm màu.

Tràng An, Bái Đính có thể coi là một địa danh đứng đầu đất nước ta về những cái nhất: Chùa có diện tích lớn nhất, có tượng Phật bằng đồng lớn nhất, nhiều tượng La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất. Không chỉ những cái nhất ấy thu hút khách thập phương, mà theo tôi, lịch sử hơn một ngàn năm, nơi phát tích của ba đời vua, cùng với sự huyền bí tâm linh đã làm mảnh đất này trở nên linh thiêng, không chỉ với du khách trong nước mà còn của cả bạn bè quốc tế.

Tôi đã đi dọc bờ sông Hoàng Long vào lúc hoàng hôn để nghe sóng và gió kể về ngày cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh được thần rồng chở sang sông. Tôi đã leo lên mấy trăm bậc thang đến ngôi chùa linh thiêng thờ các vị thần gắn liền với truyền thuyết huyền bí về chàng trai Lý Công Uẩn theo cha là Thiền sư Vạn Hạnh từ Cổ Pháp vào kinh đô, để rồi sau này lên làm vua đã ban Thiên Chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La cách đây đúng một ngàn năm…Và, mới đây tôi đã được một người bạn - GS-TS Hoàng Quang Thuận - kể cho nghe về cái đêm huyền diệu anh đã viết một lúc được hơn một trăm bài thơ Thiền về sự tích vùng đất đã sản sinh ra những bậc đế vương mà tên tuổi còn lưu danh đến muôn đời… Tất cả điều ly kỳ, thú vị ấy đã theo tôi đến trước tượng đài Đức Lý Thái Tổ trong đêm linh thiêng, huyền diệu trước ngày đại lễ kết thúc.

Đêm nay là đêm cuối cùng. Ngày mai là ngày cuối cùng của đại lễ. Tôi đứng lặng hồi lâu trong đêm mà như không có đêm của Hà Nội để tận hưởng khắc giây ngàn năm chỉ có một này. Tôi thấy khối tượng đài lung linh, huyền ảo. Tiên đế bước xuống gần gũi cùng thần dân trăm họ. Cụ Rùa trăm tuổi như cũng thao thức, trăn trở hay mừng vui mà cứ nổi chìm nhiều lần trên mặt nước? Tôi nghe sóng sông Hồng xa xăm vọng tới như đang mách bảo điều gì…

HAI

Một buổi sáng khi cái nắng mang màu mật ong, tôi có mặt ở đảo Thống Nhất trên công viên Thống Nhất thủ đô Hà Nội. Cô gái có nụ cười như níu chân du khách và ánh nhìn như đánh thức tiềm năng hướng dẫn tôi qua chiếc cầu nhỏ rải đầy hoa. Cô gái cho biết hôm nay là một ngày trọng đại. Ngày mà đoàn đại biểu quân - dân - chính Đảng thành phố Hồ Chí Minh thay mặt Đảng bộ và nhân dân thành phố ra tặng tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn cho Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đứng trước khối tượng đài nổi bật giữa màu xanh của trời, màu xanh của cây và màu xanh của nước, tôi thấy như Bác Hồ - Bác Tôn bằng da bằng thịt đang quây quần bên con cháu. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã minh chứng điều đó. Và đến thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống ấy lại càng sáng tỏ. Bác Hồ và Bác Tôn tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hôm nay, trong ngày đại lễ tri ân các bậc tiền nhân, món quà quý báu mà Đảng bộ, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thay mặt đồng bào miền Nam và nhân dân cả nước tặng Thủ đô thêm một lần nữa khẳng định sự vững bền, không gì có thể thay đổi được của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi thấy mắt của hai đồng chí Bí thư Thành ủy ngấn lệ khi phát biểu trước tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. Từ nay và mãi mãi khối tượng đài này sẽ trường tồn cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến. Muôn đời con cháu mai sau sẽ coi đây là di sản văn hóa quý báu của cha ông như những di sản mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta hôm nay.

Cô gái có nụ cười níu chân ấy cứ nhìn tôi mãi. Có phải thế không em, chúng ta đang có may mắn được sống trong những thời khắc thiêng liêng của lịch sử mà ngàn năm mới có một lần. Chúng ta hãy giữ gìn những điều thiêng nhất để làm hành trang cho chặng đường tới bến vinh quang.

Nắng mang màu mật ong như rải lụa. Sóng và gió cứ miên man kể về sự tích hai vị lãnh tụ kính yêu, hai người bạn, hai người đồng chí…

BA

Lần nào ra Hà Nội tôi cũng đến phố Khâm Thiên (cũ) để tìm ngôi nhà của Ân. Hơn ba mươi lăm năm đã qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi vẫn không tìm ra ngôi nhà ấy. Nhưng theo thói quen, lúc rảnh rỗi tôi vẫn cứ đi tìm. Lời trăn trối của bạn tôi trong trận Long Khốt năm xưa cứ văng vẳng bên tai: Ngày thống nhất, nếu anh còn sống, anh nhớ về thăm mẹ em nhé. Mẹ em đã già rồi. Mẹ em thương em lắm...

Những ngày đại lễ này lại càng thôi thúc tôi đi tìm nhà của Ân, dẫu tôi biết gần 40 năm trôi qua vật đổi sao dời, nhà của Ân không biết có còn nơi cũ và bà mẹ già của anh không biết có còn ở với cháu con trên cõi đời này. Cũng như bao lần trước, tôi lại trở về “tay không”, nhưng lòng thì có phần vơi đi sự trĩu nặng.

Sáng nay, ngồi trên khán đài C giữa quảng trường Ba Đình bên Lăng Bác Hồ dự mít tinh diễu binh, diễu hành mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mắt tôi cứ nhòe đi khi nhìn những người lính – đồng đội tôi quân phục chỉnh tề, huân chương đầy người diễu qua lễ đài. Tôi như thấy có Ân, có Vô, có Thu và biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trong đội ngũ ấy. Đức Lý Thái Tổ, các bậc tiền nhân và Bác Hồ kính yêu đã giang rộng vòng tay đón các anh. Trời đất và các bậc tiền nhân như thấu hiểu lòng thành của cháu con đã phù hộ cho ngày đại lễ mọi sự suôn sẻ, hanh thông. Thời tiết Hà Nội như chưa đẹp thế bao giờ. Lá cờ Tổ quốc trên quảng trường Ba Đình mà cách đây đúng 65 năm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cứ phần phật reo trong gió.

Tôi trôi theo dòng người trong ngày Đại lễ mà cứ như trôi trong ký ức. Ngàn năm mới có một lần. Gương mặt hậu duệ, cháu con của Đức Lý Thái Tổ và Bác Hồ rạng rỡ như hoa. Trời thu Hà Nội ngạt ngào hoa sữa…

Tùy bút của Trần Thế Tuyển
Hà Nội, đêm 10-10-2010

Tin cùng chuyên mục