Cần công bằng hơn viện trợ!

Như mọi năm, lần này các nhà lãnh đạo châu Phi cũng được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 và G-8 tiếp tục hứa hẹn sẽ tăng viện trợ cho châu Phi. Nhưng các nhà lãnh đạo châu lục đen đã lên tiếng kêu gọi G-8 cũng như các quốc gia khác trên thế giới nên nhìn châu Phi như là một điểm đến đầu tư chứ không phải là một địa chỉ để viện trợ hay làm từ thiện.

Vì sao? Các nước châu Phi hiện nay dù còn nghèo nhưng đã có nhiều thay đổi. Một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiện cứu toàn cầu McKinsey với tên gọi “Những con sư tử đang chuyển động” cho thấy triển vọng kinh tế dài hạn của châu Phi rất khả quan. Các nhà nghiên cứu kêu gọi các doanh nghiệp toàn cầu không nên làm ngơ đối với tiềm năng này.

Từ năm 2000 đến 2008 kinh tế châu lục đen đã tăng 5% mỗi năm, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của hai thập kỷ trước. Viễn thông, ngân hàng và lĩnh vực bán lẻ đang phát triển mạnh trong khi ngày càng nhiều người châu Phi di dân về các thành phố.

Châu Phi hiện một mặt cần tiền đầu tư từ bên ngoài, một mặt cần các nước giàu mở cửa thị trường và hỗ trợ hành lang pháp lý cho hàng hóa của họ. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào châu Phi thì họ sẽ xem châu Phi là đối tác thực sự và như vậy sẽ có những luật lệ công bằng cho đối tác, chứ không còn là đối thủ cạnh tranh hay là nước yếu kém chỉ để cho những “nhà từ thiện” lợi dụng.

Việc các nước giàu xem châu Phi là thị trường tiêu thụ hàng hóa của họ hơn là thị trường để đầu tư khiến các nước châu Phi bị thiệt thòi rất lớn. Hàng hóa từ các nước giàu, đặc biệt là nông sản được bảo hộ xuất sang các nước châu Phi với giá rẻ góp phần giết chết ngành nông nghiệp châu Phi, vốn là thế mạnh của vùng đất đai màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng cho họ.

Chưa kể, các doanh nghiệp nước ngoài mua nông sản thô với giá rất rẻ đưa về chế biến ở nước mình và từ đó xuất khẩu đi thế giới hoặc ngược trở lại châu Phi với giá rất cao. Ngoài việc dùng các công cụ bảo hộ thuế chống phá giá để chèn ép hàng hóa châu Phi, Mỹ còn bảo hộ cho nông dân mình để ép giá nông sản châu Phi, như vụ Mỹ mỗi năm viện trợ 4 tỷ USD cho nông dân trồng bông, đẩy giá bông thế giới xuống thấp, khiến nông dân trồng bông của Burkina Faso điêu đứng vì giá bán không bù đắp được chi phí đầu tư.

Người nông dân trồng bông nước này phải cắt giảm diện tích canh tác, cộng với một phần do thời tiết xấu nên sản lượng vụ mùa năm 2009-2010 sẽ rất thấp, cuộc sống nông dân cực kỳ khó khăn. Mới đây, Burkina Faso cùng với Mali, Sát và Benin dọa kiện Mỹ lên WTO về bảo trợ giá bông.

Năm 2005, G-8 hứa sẽ viện trợ bổ sung 25 tỷ USD mỗi năm cho châu Phi đến năm 2010 nhưng lời hứa đó đã không được thực hiện. Trong khi đó, G-8 thường gắn kết viện trợ với cải cách cũng như đòi hỏi những yêu cầu của cái gọi là nhân quyền và dân chủ theo kiểu của họ. Hay các chương trình Viện trợ phát triển (ODA) trên thực tế mang lại không ít quyền lợi cho chính nhà cung cấp ODA và đôi khi nước nhận viện trợ còn bị thiệt thòi nếu như không có khả năng thẩm định dự án ODA tốt.

“Chúng tôi muốn được xem là đối tác bình đẳng chứ không phải kẻ đi xin” - đó là lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo châu Phi.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục