Cần giải pháp lâu dài để giải quyết nạn đói

Ngày 20-11, Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu khai mạc tại London, Anh trong bối cảnh an ninh lương thực đang bị thách thức trầm trọng do hậu quả của dịch bệnh, thiên tai và xung đột.
Người dân tại Dải Gaza nhận thức ăn cứu trợ. Ảnh: AP
Người dân tại Dải Gaza nhận thức ăn cứu trợ. Ảnh: AP

Nhóm công tác liên ngành ở Trung và Đông Phi (IAWG) cho biết gần 90 triệu người trên khắp Trung và Đông Phi đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ chưa từng có và ngày càng nhiều người phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực trầm trọng. Nguyên nhân do hạn hán, lũ lụt cũng như xung đột và giá lương thực toàn cầu tăng cao.

Theo ông Peter Burgess, Giám đốc IAWG, nhiều cuộc khủng hoảng trong số này ngày càng bị lãng quên và hầu hết hoạt động kêu gọi nhân đạo trong khu vực vẫn chưa được tài trợ đầy đủ, khiến hàng triệu người phải đối mặt với cảnh túng quẫn hoặc tệ hơn. Hơn 11,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực này đang bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó 2,9 triệu trẻ em sẽ cần điều trị vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng (SAM) đe dọa tính mạng.

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), người dân ở Dải Gaza đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực do các cuộc tấn công không ngừng của Israel vào Gaza. Theo FAO, gần 60% hộ gia đình ở Gaza chịu cảnh thiếu lương thực. FAO cam kết giải quyết các nhu cầu nhân đạo cấp bách của người dân ở Dải Gaza nhưng các bên phải ngừng bắn ngay lập tức. Bởi, quyền có lương thực là quyền cơ bản.

Bất chấp nhu cầu lương thực ngày càng tăng, nguồn tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nạn đói và suy dinh dưỡng vẫn chưa đủ vào năm 2023. Đáng lo ngại hơn, dự đoán ngân sách hỗ trợ nhân đạo sẽ giảm tới 50% vào năm 2024. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi hành động quốc tế ngay lập tức và phản ứng phối hợp nhằm giảm thiểu tác động của nạn đói cũng như đưa ra các biện pháp can thiệp.

Theo các đại biểu dự hội nghị ở London, những biện pháp này bao gồm: Khẩn trương mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng có nhu cầu và đầu tư đồng thời vào khả năng phục hồi và phục hồi lâu dài, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu và bị ảnh hưởng xung đột; sử dụng ảnh hưởng ngoại giao song phương và đa phương để đảm bảo tất cả các bên trong xung đột vũ trang tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là ủng hộ Nghị quyết 2417 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm giúp đảo ngược tình trạng leo thang toàn cầu về nạn đói do xung đột gây ra.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Rishi Sunak cho biết Vương quốc Anh sẽ thành lập một trung tâm khoa học mới, nơi các chuyên gia sẽ phát triển các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và xác định các rủi ro đối với hệ thống lương thực toàn cầu. Anh cũng xem tình trạng mất an ninh lương thực là một trong những thách thức toàn cầu cấp bách. Anh đang tài trợ nhân đạo trị giá lên tới 100 triệu bảng Anh cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mất an ninh lương thực: Ethiopia, Sudan, Nam Sudan và Afghanistan, Malawi, Somalia...

Tin cùng chuyên mục