HĐND tỉnh Long An vừa thông qua mức hỗ trợ cho mỗi bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại tỉnh này với mức từ 150-170 triệu đồng. Có lẽ đây là mức hỗ trợ cao kỷ lục của một tỉnh trong chính sách chiêu hiền đãi sĩ (trước đây nhiều tỉnh - thành đã đưa ra mức hỗ trợ 30 triệu đồng đối với thạc sĩ và 50 triệu đồng đối với tiến sĩ về công tác tại địa phương). Chính sách này của tỉnh Long An là một sự đột phá khi được kết hợp cùng các biện pháp đồng bộ khác như tạo môi trường làm việc và điều kiện phát triển thuận lợi.
Thời gian gần đây liên tục xảy ra những sự việc khiến dư luận bức xúc liên quan đến ngành y tế, như bác sĩ tắc trách làm chết bệnh nhân, cán bộ y tế thiếu trách nhiệm khiến gia đình bệnh nhân phản ứng thái quá, một số bác sĩ quá chú trọng kê toa thuốc đắt tiền để nhận hoa hồng, có bác sĩ tham nhũng bằng cách kê khống sổ bảo hiểm y tế…, hay bệnh viện quản lý lỏng lẻo khiến trẻ sơ sinh bị giao nhầm hoặc bị bắt cóc; bác sĩ chỉ khám bệnh qua loa, trong khi bệnh nhân phải nằm giường ghép đôi ba người… Những điều đó một mặt phản ánh sự quá tải của hệ thống y tế nước ta, mặt khác cũng thể hiện sự “đuối sức” trong công tác quản lý của ngành y tế, đồng thời có cả sự xuống cấp về đạo đức và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ ngành y.
Thực trạng đó không dễ chấn chỉnh do tính “thâm căn cố đế”, tính “hệ thống” của các biểu hiện hạn chế trong ngành y tế. Điều đó đòi hỏi các địa phương, các cán bộ của ngành phải chung sức, phải nỗ lực vì công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ chủ trương của tỉnh Long An, có thể ghi nhận ý thức trách nhiệm của một địa phương với việc tăng cường nhân sự cho ngành y tế để cải tiến công tác chăm sóc sức khỏe người dân địa phương.
Song như vậy cũng chưa toàn diện, thiết nghĩ cần có một cuộc cải cách ngành y tế thực sự, với các nội dung trọng tâm liên quan đến đội ngũ y bác sĩ. Đó là tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế, nâng chất lượng, số lượng và nhất là chú trọng vấn đề giáo dục y đức. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có chính sách thu hút cán bộ y tế về công tác tại cơ sở, đặc biệt là tuyến từ cấp huyện trở xuống. Hình thành lực lượng “bác sĩ gia đình” và “bác sĩ di động” để đến với người dân, trước mắt theo định kỳ ở những khu vực nhất định, tiến tới phát triển rộng rãi, để góp phần giảm tải ở các bệnh viện…
Bác Hồ đã dạy người thầy thuốc phải thực sự là người mẹ hiền. Ở xã hội ngày nay, với nhiều biến động phức tạp về sức khỏe, đạo đức, người dân lại cần có nhiều “lương y như từ mẫu” đích thực.
Trúc Giang (Quận 3, TPHCM)