Mỗi năm các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo, vậy nhưng lượng gạo tiêu thụ trong nước còn lớn hơn nhiều, khoảng 13 triệu tấn gạo/năm. Trong đó, TPHCM và Hà Nội là 2 thị trường tiêu thụ bằng 2/3 lượng gạo xuất khẩu hàng năm.
Một thời gian dài người tiêu dùng trong nước chỉ có thể mua gạo xá, không thương hiệu rõ ràng và thị trường gạo nội địa hầu như để cho các cơ sở cá thể cung ứng, kinh doanh một cách tự phát. Người trong ngành đều biết, trong nước có nhiều giống gạo ngon, chất lượng cao như Nàng Thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Tám Hậu… nhưng sản lượng không nhiều, do không phải ở đâu cũng trồng được vì điều kiện thổ nhưỡng (như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, chỉ khu vực xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An trồng mới có mùi thơm thực sự). Vậy nhưng, thời điểm nào trong năm cũng có các loại gạo này bày bán trên thị trường. Chúng ở đâu ra? Một phần do chúng được pha trộn với các giống khác và thậm chí người bán còn sử dụng cả hương liệu để làm giả loại gạo này. Điều này làm người tiêu dùng mất dần niềm tin với gạo Việt.
Một điểm bán gạo thơm Sóc Trăng. Ảnh: T.L
Khi cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu ăn gạo ngon, thơm trở nên phổ biến hơn, nhất là ở các đô thị, cũng là lúc xuất hiện trên thị trường nhiều thương hiệu gạo nội địa. Thế nhưng, các thương hiệu này có đủ loại từ “thượng vàng đến hạ cám” nên sự cạnh tranh này chưa thật sự minh bạch và công bằng. Thực tế, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhiều giống lúa trồng tại Việt Nam nhưng lại mang “mác” của Đài Loan (giống Việt - Đài), Thái Lan, thậm chí Nhật Bản bán đại trà.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafodd 2), cho biết còn có tình trạng DN làm thương hiệu gạo theo cách không cần vùng nguyên liệu, chỉ mua về đóng gói. Tệ hơn nữa, còn xảy ra hiện tượng gạo thơm nhưng do sử dụng hương liệu hóa chất, không phải từ giống lúa thơm tự nhiên nên khó đảm bảo chất lượng và vấn đề an toàn thực phẩm. Phải chăng vì lý do này mà gạo ngoại nhập khẩu với chất lượng thật sự từ Thái Lan, Nhật Bản… có điều kiện để thâm nhập và dù bán với giá rất cao trên các kệ hàng siêu thị vẫn được người tiêu dùng tìm mua.
Theo Phó Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, ông Nguyễn Tiến Dũng, để có thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời, phải xây dựng chuỗi giá trị hoàn chỉnh và bài bản, phải kiểm soát từ khâu làm giống, tổ chức sản xuất và chế biến rất kỳ công và tốn kém. Nhưng tình trạng kinh doanh gạo theo những phương thức nói trên đã đẩy DN làm ăn bài bản vào thế cạnh tranh không lành mạnh, không kích thích DN mạnh dạn đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu gạo nội địa.
Hơn nữa, theo VFA, các DN cung ứng gạo cho thị trường nội địa, bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh... không qua khâu kinh doanh thương mại, giá bán cao hơn 5% do phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% theo quy định Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính, so với các tiểu thương, hộ cá thể không đóng thuế hoặc đóng thuế thấp ở dạng thuế khoán, đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng về giá.
Gạo thuộc mặt hàng cạnh tranh ngày càng gay gắt trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cả về chất lượng và an toàn thực phẩm. Vì vậy, VFA kiến nghị, không thể để tình trạng lộn xộn, nhập nhằng về chất lượng tiếp tục diễn ra, đồng thời Bộ Tài Chính xem xét điều chỉnh thuế GTGT bán gạo nội địa không qua khâu kinh doanh thương mại từ 5% về mức 0% khi DN tổ chức kinh doanh bán gạo trực tiếp cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN tham gia thị trường trong nước một cách bình đẳng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, mang đến cho người tiêu dùng gạo Việt thực sự an toàn và chất lượng đảm bảo.
ĐĂNG LÃM