Nhiều loại trái cây... đại hạ giá

Ngày 5-7, ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang, cho biết, hiện sầu riêng Ri6 (loại A) được thương lái thu mua tại vườn có giá khoảng 40.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong (loại A) khoảng 74.000-78.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sầu riêng giảm 1/3. Trong khi đó, mít Thái, vải thiều, cam sành... cũng rớt giá mạnh.

Với mức giá hiện tại, theo ông Võ Tấn Lợi, nhiều nông dân trồng sầu riêng tại Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà vườn còn lo lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến giá sầu riêng ở ĐBSCL giảm mạnh là ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa nhiều làm cơm sầu riêng không ngon, chất lượng trái giảm.

Để ổn định đầu ra, một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng nhiều ở Đồng Tháp đang được ngành chức năng kiểm soát hàm lượng Cadimi (một nguyên tố kim loại nặng) và hướng dẫn người dân quy trình canh tác đạt chuẩn chất lượng.

2.jpg
Người dân bày bán sầu riêng quanh chợ đầu mối nông sản Thạnh Trị (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NGỌC PHÚC

Tương tự, những ngày qua, giá mít Thái tại ĐBSCL cũng rớt thê thảm. Tại Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là “thủ phủ mít Thái” (hơn 23.000ha, sản lượng hơn 392.000 tấn/năm), giá mít Thái được thương lái thu mua tại vườn hiện chỉ còn 500-2.000 đồng/kg.

Dù giá mít Thái “chạm đáy” nhưng nông dân vẫn khó xuất khẩu do thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ, một phần liên quan đến khâu đánh giá chất lượng. Để thu hồi vốn, nhiều nhà vườn tìm đến các cơ sở mít sấy khô để bán với giá khoảng 1.000 đồng/kg, số còn lại bày bán ven đường. Một loại trái cây chủ lực của tỉnh Đồng Tháp là thanh long ruột đỏ cũng giảm giá sâu, chỉ còn 3.000-5.000 đồng/kg, vậy mà vẫn không có thương lái thu mua.

Để tránh thua lỗ, nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp đã cắt bỏ, cải tạo đất chờ vụ sau. Tại các xã Cái Bè và xã An Hữu (tỉnh Đồng Tháp), thời gian gần đây giá ổi đang... rẻ như cho, chỉ còn 500-1.500 đồng/kg khiến nông dân lao đao. Nhiều nhà vườn đã bỏ trái rụng đầy gốc, một số dự định sẽ chuyển đổi cây trồng.

Tương tự, cam sành ở các tỉnh ĐBSCL được thương lái thu mua tại vườn với giá chỉ còn 1.000-3.000 đồng/kg. Để giải quyết đầu ra, nhiều nông dân trồng cam ở các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp… đã rao bán lẻ trên mạng xã hội, hoặc bày bán ở các tuyến đường.

Cn7b.jpg
Nhiều nông dân ở xã Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long tự bày bán cam nhằm thu hồi vốn. Ảnh: NGỌC PHÚC

Trong khi đó, lượng vải thiều từ miền Bắc đang đổ về TPHCM rất nhiều, từ các chợ truyền thống đến siêu thị. Ngày 5-7, tại chợ Thạch Đà (phường An Hội Tây), quầy hàng trái cây, rau củ nào cũng bày bán vải thiều tươi. Giá vải thiều năm nay so với cùng kỳ năm 2024 rẻ hơn phân nửa, chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. Thậm chí một số xe trái cây ven đường Phạm Văn Chiêu bán với giá 10.000 đồng/kg. Còn tại chợ Bàn Cờ (phường Bàn Cờ), chợ Tân Định (phường Tân Định)..., vải thiều tươi được đổ đầy rổ lớn, người mua thoải mái lựa chọn.

Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM), vải thiều đang “dội chợ” do hàng về nhiều nhưng sức tiêu thụ yếu. Thời điểm đầu tháng 7 này, nhiều loại trái cây cùng vào mùa nên tiêu thụ không hết. Thống kê từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, trong hơn 1 tháng qua đã có gần 9.800 tấn vải về chợ, trong khi cả vụ thu hoạch năm 2024 chỉ có 3.447 tấn. Như vậy, lượng hàng về chợ đã tăng 183%, trong khi vụ thu hoạch năm nay chưa kết thúc. Năm ngoái, vải mất mùa, tại TPHCM nhiều người còn chưa kịp ăn thì đã hết mùa. Khi đó, giá vải thiều phổ biến trên 50.000 đồng/kg.

Tin cùng chuyên mục